Việc ứng viên Tổng thống Joe Biden gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tiếp tới, nhiều người tin rằng những bất ngờ sẽ không còn. Ông Biden được cho là người dễ dự đoán hơn với những ngôn từ không mấy bốc đồng. Tuy nhiên, điều này chỉ có nghĩa là Trung Quốc sẽ nhận được những lời lẽ bình tĩnh hơn khi nước Mỹ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn với Bắc Kinh.
Sau nhiều năm nước Mỹ đi khiếu nại về các hoạt động cạnh tranh không công bằng có hệ thống ở Trung Quốc, Tổng thống Trump đã đặt áp lực lên Bắc Kinh bằng các chính sách đột ngột, thường được công bố trên tài khoản mạng xã hội Twitter. Chính quyền Trump hiện đánh thuế hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và đưa các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vào danh sách trừng phạt.
Greg Gilligan, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc, thừa nhận: "Các vấn đề tồn tại trong mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không thay đổi khi có sự thay đổi trong Chính quyền Mỹ".
|
Theo ông Gilligan, có những áp lực khiến cả 2 bên phải duy trì thái độ bởi đơn giản là bộ máy chính trị trong nước không cho phép nhún nhường trước quốc gia khác.
Hiện tại, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ký một thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi tháng Giêng, giúp giảm bớt những căng thẳng trong 2 năm qua. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng Trung Quốc đang rất chậm trong việc hoàn thành các thỏa thuận mua hàng hóa Mỹ. Một cuộc đàm phán cho thỏa thuận giai đoạn 2 còn chưa bắt đầu.
Cũng không rõ Chính quyền Biden sẽ xử lý như thế nào với vấn đề thuế quan, vốn gây tổn hại cho doanh nghiệp cả 2 nước khi Bắc Kinh thẳng thừng đáp trả.
Scott Kennedy, cố vấn cấp cao và Chủ tịch Ủy ban Kinh doanh và Kinh tế Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS), cho biết: "Bên nào cũng phải bảo vệ quyền lợi của mình. Bây giờ, có một quá trình chuyển đổi kéo dài và một đại dịch cần được kiểm soát. Có lẽ, chúng ta sẽ thấy việc "ngừng bắn" trong cuộc thương chiến nhưng vẫn còn quá sớm để biết thuế quan hay các biện pháp trừng phạt nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ được gỡ bỏ".
Thậm chí, các nhà phân tích chỉ ra rằng "Chính quyền Biden" có thể sẽ làm việc hiệu quả hơn đối với các đồng minh trong một chiến lược gắn kết hơn chống lại Trung Quốc. Một trong số ít các vấn đề mà cả người Cộng hòa và Dân chủ cùng nhất trí chính là chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu đầu tiên sau khi được truyền thông mô tả là đắc cử, ông Biden dành nhiều thời gian để nói về cuộc chiến với Covid-19 nhưng ông không đề cập tới Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc sẽ thích một hệ thống chính trị bị chia rẽ sâu sắc ở Mỹ, bao gồm khả năng đảng Dân chủ kiểm soát Nhà Trắng và Hạ viện còn người Cộng hòa kiểm soát Thượng viện.
Dẫu vậy, ông Biden cũng có những chính sách rõ ràng với Trung Quốc. Trong một tuyến bố hồi đầu năm 2020, ông Biden nhấn mạnh "nước Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc". Ông Biden cũng đề cao tầm quan trọng của Mỹ trong vai trò lãnh đạo toàn cầu để "cứu vãn những chính sách đối ngoại sau thời kỳ Trump".
Ông Biden tin rằng, nếu Trung Quốc làm theo cách của họ, họ sẽ tiếp tục đánh cắp công nghệ và tài sản sở hữu trí tuệ Mỹ và các công ty Mỹ. Họ cũng sẽ tiếp tục đưa ra các khoản trợ cấp cho doanh nghiệp quốc doanh như một lợi thế không công bằng cũng như thúc đẩy thống trị các công nghệ và ngành công nghiệp tương lai.
"Cách hiệu quả nhất để đối mặt với những thách thức đó là xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Mỹ nhằm đối đầu với những hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, ngay cả khi chúng tôi tìm cách hợp tác với Bắc Kinh trong các vấn đề mà chúng tôi có lợi ích, chẳng hạn như biến đổi khí hậu hay an ninh y tế toàn cầu", ông Biden nhấn mạnh.
Trong khi đó, cả hai bên bờ Thái Bình Dương đều hy vọng rằng chính sách đối ngoại dễ đoán hơn từ Chính quyền Biden sẽ mang lại nhiều cơ hội tốt hơn cho một số hợp tác kinh doanh. Một số học giả Trung Quốc thì kỳ vọng vào khả năng đối thoại với Mỹ bởi dù sao những cú sốc như thời Donald Trump sẽ không xuất hiện liên tiếp.
Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ