Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Giáo dục xem xét kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người. Trong văn bản nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xét kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tại văn bản số 07/HH-VP đề ngày 2/3/2020 về việc kiến nghị khẩn cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong mùa dịch Covid-19.
Theo đó, văn bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, xét kiến nghị của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tại văn bản số 07/HH-VP đề ngày 2/3/2020 về việc kiến nghị khẩn cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong mùa dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét và sớm có kiến về việc này.
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam |
Trước đó, ngày 2/3, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam có kiến nghị khẩn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong mùa dịch Covid-19.
Nội dung trong kiến nghị nêu rõ, thời gian qua, hai Hiệp hội chúng tôi đã trình lên Thủ tướng (tại các công văn số 04/HH-VP ngày 20/02/2020 và 05/HH-VP ngày 26/02/2020 của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và công văn Vaefa02/2020 ngày 26/02/2020 của Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam) kiến nghị cho khẩn trương triển khai chuyển sang áp dụng đại trà các phương thức dạy học từ xa (mà trước tiên là dạy học qua truyền hình) ở quy mô toàn quốc ngay trong mùa dịch Covid-19 này.
Giải pháp trên hoàn toàn phù hợp với những đòi hỏi cho một giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến của dịch như đã nêu ra ở trên.Qua theo dõi trên các kênh thông tin truyền thông, việc thay thế phương pháp dạy truyền thống trên lớp bằng các phương thức dạy học từ xa (bao gồm dạy qua truyền hình, dạy trực tuyến online…) đã được Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác triển khai, song song với lệnh đóng cửa trường học đại trà.
Mới đây AP đưa tin các trường học trên khắp Hoa Kỳ đang tích cực chuẩn bị các bài học trực tuyến để chuẩn bị cho khả năng bùng phát dịch Covid-19 có thể bắt đầu lan rộng trong học đường.
Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà quản lý trường học Hoa Kỳ tuyên bố: “lớp học là nơi cực kỳ thuận lợi cho virus sinh sản” và “chúng ta cần lên kế hoạch cho những gì chúng ta sẽ làm một khi có sự cố dịch Covid-19 trong trường học và trong cộng đồng chúng ta”.
Trên tinh thần như Thủ tướng đã chỉ đạo “Chống dịch Covid-19 như chống giặc”, trong tình hình nước sôi lửa bỏng về dịch Covid-19 đang lan tỏa ở nhiều nước trên các châu lục và tại Việt Nam hiện nay cũng là một quốc gia không thể ngoại lệ. Một lần nữa chúng tôi xin kiến nghị Thủ tướng:
Một là, sớm có quyết định chỉ thị cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, truyền hình Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương bàn bạc để lên kế hoạch triển khai việc dạy học từ xa, trước hết là dạy học qua truyền hình, cho khối giáo dục phổ thông trước ngày học sinh đến trường đại trà như quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy trong điều kiện dịch Covid-19 như hiện nay, việc kết hợp cả 2 phương thức dạy học trực tiếp và từ xa sẽ mang lại hiệu quả cao hơn là chỉ áp dụng đơn độc một phương thức.
Hai là, chỉ thị cho Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận kết quả học trực tuyến của các trường đã chủ động triển khai nghiêm túc trong đợt dịch vừa qua.
Ngày 25/2, trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, việc học trực tuyến không phải hình thức mới đối với các trường đại học. Nhiều trường hiện cũng đã công nhận kết quả học tập này. Tuy nhiên đối với cấp phổ thông, việc giáo dục còn mang tính chất giáo dục con người, do đó cần phải dạy học trực tiếp.
|
“Bộ cũng sẽ tiếp thu ý kiến này và sẽ nghiên cứu. Tuy nhiên đây là một vấn đề mang tính khoa học, cho nên có thể sử dụng để bổ trợ chứ không thể thay thế việc dạy tại phổ thông. Dạy chữ phải gắn với dạy người nên rất cần sự giao tiếp trực tiếp, từ đó hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh”, Thứ trưởng Độ nói.
Ngày 3/3, trong thư cầu cứu của 150 cơ sở giáo dục tư thục gửi Thủ tướng và các bộ ban ngành, ngoài những đề xuất về các chính sách tài chính, các tổ chức này cũng đề nghị xem xét công nhận giá trị pháp lý của hình thức học trực tuyến.
Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Nam Định, Đồng Nai...đã tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp trên truyền hình địa phương. Các trường đại học thì triển khai song song dạy trực tuyến kết hợp với việc đến trường.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ