Theo thống kê, trong 10 tháng vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 3 đoàn thanh tra theo kế hoạch của năm 2021 và 5 đoàn kiểm tra, xác minh giải quyết theo đơn thư khiếu nại, tố cáo và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành 24 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế số tiền 341,9 tỷ đồng.
|
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã giao Thanh tra Bộ tổng hợp những tồn tại của cơ chế, chính sách và pháp luật qua thực tiễn của hoạt động thanh tra về việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư. Từ đó, Bộ Xây dựng có căn cứ sát thực tế để ban hành Chỉ thị nhằm xử lý triệt để các tranh chấp về quỹ bảo trì nhà chung cư.
Từ khi có Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 15/9/2021, tình trạng tranh chấp, đơn thư khiếu nại kéo dài tại các nhà chung cư giảm hẳn, chỉ còn khoảng 3 đơn thư/tháng; trong khi đó, trước khi có Chỉ thị này, trung bình Thanh tra Bộ Xây dựng tiếp nhận tới 10 đơn thư mỗi tháng.
Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, khoảng hơn 1 tháng gần đây, các nhà chung cư trên toàn quốc đã không còn tình trạng căng băng rôn tại các tòa nhà, cơ quan quản lý nhà nước, cấp chính quyền để khiếu kiện hay phản đối chủ đầu tư... Đáng chú ý, Chỉ thị số 02/CT-BXD đã tạo được dư luận tốt, giúp lực lượng thanh tra và Cục
Quản lý nhà và thị trường bất động sản giải quyết dứt điểm nhiều kiến nghị, khiếu nại gay gắt của cư dân; góp phần ổn định cuộc sống của người dân; đảm bảo an ninh, trật tự địa phương và mỹ quan đô thị.
Với khối lượng công việc rất lớn, hiện nay và để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kế cận đảm bảo tính kế thừa về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý Nhà nước ngành Xây dựng được giao, tại Hội nghị, Thanh tra Bộ có đề xuất Bộ trưởng xem xét cho chủ trương về việc bổ sung biên chế cho Thanh tra Bộ và giữ ổn định về cơ cấu tổ chức trong thời gian tiếp theo để tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ giao trong tình hình mới.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng có những chỉ đạo sát đến tập thể Thanh tra: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021, ngoài sự đoàn kết một lòng của tập thể cán bộ công chức trong ngành, Thanh tra Bộ cần cố gắng hơn nữa, nghiêm túc chấp hành kỷ cương, để công tác thanh tra đi vào nề nếp, khẳng định vị thế của một cơ quan nòng cốt trong Bộ Xây dựng.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, trong những tháng cuối năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025, lực lượng thanh tra tiếp tục bám sát chỉ đạo, điều hành của Bộ Xây dựng để triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động; chủ động trong chỉ đạo, điều hành để phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế của dịch COVID-19. Thanh tra sẽ phối hợp chặt chẽ với các cục, vụ liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật.
Về kế hoạch công việc, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ trình Bộ trưởng xem xét điều chỉnh Kế hoạch thanh tra 2021 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và diễn biến phức tạp của dịch bệnh; đề xuất không triển khai thành lập đoàn mới trong năm và điều chỉnh 9 đoàn còn lại của kế hoạch năm 2021.
Trong cùng diễn biến, mới đây, Bộ Xây dựng đề nghị các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản.
Báo cáo thị trường bất động sản Bộ Xây dựng cho thấy, trong quý III, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt mức hơn 111.000 tỷ đồng. Trong đó, bất động sản đã vượt lên trên nhóm ngân hàng, trở thành ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, với hơn 46% trong tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành.
Đáng chú ý, lãi suất huy động của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cũng khá cao, dao động trong khoảng từ 7,4 - 13%/năm.
Nhận định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp, tổ chức phát hành trái phiếu vẫn còn tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.
Theo chuyên gia phân tích thị trường của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research), các trái phiếu không có tài sản đảm bảo, hoặc đảm bảo hoàn toàn hoặc một phần bằng cổ phiếu là những "tài sản bất định", mức độ rủi ro rất lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đang có xu hướng đi xuống.
Chuyên gia SSI Research khẳng định, việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa, vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản luôn phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế.
Trước tình hình trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành tăng cao, đặc biệt là nhóm ngành bất động sản, Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.
Đặc biệt, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ; doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo và nhà đầu tư cá nhân nên thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu, trong đó có việc xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao và rủi ro cho nhà đầu tư cũng sẽ tiềm ẩn lớn khi thị trường bất động sản có biến động tiêu cực.