Đoàn kiểm tra bao gồm đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn và Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã đi kiểm tra 5 tổng công ty điện lực trên cả nước.
Theo báo cáo, điện năng tiêu thụ mùa hè cao hơn khoảng 20-50% so với các tháng khác. Các năm trước, mức đỉnh sử dụng điện thường rơi vào tháng 7 nhưng năm nay từ tháng 6 đã tăng lên rất cao, từ đó làm hóa đơn tiền điện tăng. Nguyên nhân làm chỉ số điện tăng là do ảnh hưởng của thời tiết, sử dụng các thiết bị điện nhiều hơn.
Đoàn kiểm tra cũng xác định sai sót do quá trình ghi chỉ số công tơ, tính hóa đơn tiền điện cũng làm số tiền tăng vọt. Trong tháng 6, số khách hàng được hiệu chỉnh hóa đơn là 6.271 khách hàng. Nguyên nhân gồm ghi sai chỉ số định kỳ, nhân viên nhập chỉ số sai, khách hàng báo số sai… Tỷ lệ này là 0,022% trên tổng số khách hàng của EVN. Số khách hàng được giảm tiền là 675 do nguyên nhân ghi sai chỉ số tăng. Đoàn kiểm tra cũng cho biết đã có khoảng 56.000 ý kiến khách hàng thắc mắc về chỉ số công tơ.
|
Ảnh minh họa |
Liên quan tới vấn đề trên, theo ông Bùi Trung Dũng, Vụ Đo lường (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), công tơ điện là phương tiện đo lường quan trọng và phải kiểm soát chặt chẽ. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đã xây dựng hệ thống các tổ chức kiểm định gồm các doanh nghiệp tư nhân, các đơn vị thuộc hệ thống quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các đơn vị trực thuộc các tổng công ty điện lực.
Hoạt động này phải tuân thủ điều kiện về độc lập, khách quan đã được cụ thể hóa tại Nghị định 105 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, Luật Đo lường. Các đơn vị thực hiện kiểm định phải đảm bảo tính công khai, minh bạch quy trình kiểm định, để các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra. Không riêng doanh nghiệp nào mà hơn 800 tổ chức mua bán điện cũng phải đảm bảo tuân thủ các quy định này.
Ngoài ra, theo Luật Đo lường, sau 5 năm hoạt động, các công tơ điện phải được thay thế định kỳ. Lúc này, công tơ sẽ được tháo xuống chuyển về đơn vị thí nghiệm để kiểm định. Khi đưa vào hệ thống kiểm định, toàn bộ thông số của công tơ được ghi nhận tự động vào chương trình đã được cài đặt trên hệ thống máy chủ, bản thân kiểm định viên không thể can thiệp, sửa các thông số trên server này. Kết quả sai số của công tơ cũng được tự động ghi nhận và thu thập về phần mềm điều khiển, có cảnh báo nếu công tơ không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường.
Sau khi kiểm định, những công tơ đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường sẽ được niêm phong, kẹp chì, đảm bảo không thể can thiệp và bàn giao cho các công ty điện lực, nhập vào hệ thống CMIS để đưa lên lưới tiếp tục hoạt động. Còn những công tơ hỏng được giao lại cho công ty điện lực để thanh lý theo quy định. Tất cả các công tơ hư hỏng trước khi thanh lý đều được phá hủy, nhằm đảm bảo những công tơ này không có cơ hội quay trở lại trên lưới điện.
Đại diện Viện Đo lường Việt Nam cũng nhấn mạnh hoạt động kiểm định công tơ điện là một sản phẩm dịch vụ kỹ thuật, đã có trong Luật Đo lường, là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Hoạt động này đã xã hội hóa, nhiều thành phần kinh tế tham gia, không chỉ riêng ngành điện cung cấp.
Bất cứ tổ chức nào muốn kinh doanh dịch vụ kiểm định phải được cấp phép, đáp ứng đầy đủ điều kiện mà pháp luật quy định. Quy trình kiểm định công tơ điện phải đảm bảo chính xác, phải được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ban hành, thống nhất toàn quốc. Nếu không sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Đại diện Viện Đo lường Việt Nam đánh giá kết quả đo đếm điện là tin cậy. “Phương tiện đo hoàn toàn có thể tin tưởng vào các đơn vị mà Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định. Đảm bảo và đáp ứng các tiêu chuẩn pháp lý”, vị này chia sẻ.
Theo Phong Lâm/Vietq