Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động đề xuất và thực hiện giảm tiền điện, giá điện cho các khách hàng. Đây là hành động thiết thực, thể hiện trách nhiệm sẻ chia với cộng đồng trong lúc khó khăn.
|
EVN sẽ thực hiện giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng theo đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương. |
Như đã biết, trên cơ sở những đề xuất của Tập đoàn EVN và Bộ Công Thương về việc giảm tiền điện, giá điện cho khách hàng sử dụng điện nhằm vượt qua khó khăn trong dịch Covid-19, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý các phương án giảm giá điện, tiền điện như Bộ Công Thương đề xuất.
Ngay sau khi có hướng dẫn từ Bộ Công Thương, ngày 16/4, EVN đã triển khai việc giảm tiền điện, giá điện cho tất cả các khách hàng trong thời gian 3 tháng.
Đây là lần đầu tiên giá điện tại Việt Nam được giảm, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN cũng bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của EVN, trong quý I/2020, sản lượng điện sản xuất và thương phẩm vẫn tăng trên 6,3%. Tình hình thuỷ văn diễn biến bất thường, lượng nước về các hồ thuỷ điện kém, thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến nguồn điện giá rẻ từ thuỷ điện chỉ huy động được 8,93 tỷ kWh, giảm 30,4 % so với cùng kỳ năm 2019. Và để bù đắp nguồn điện thiếu hụt, EVN phải tăng huy động nhiệt điện than tới 21,3 % so với cùng kỳ năm 2019; Tăng nguồn nhiệt điện dầu khoảng 1,02 tỷ kWh, tăng gần 1 tỷ kWh so cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, tình hình dịch bệnh COVID-19 diến biến phức tạp dẫn đến các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp bị đình trệ, ngừng sản xuất, đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác kinh doanh điện, đến tiến độ triển khai các dự án nguồn và lưới điện…
Trong bối cảnh như vậy, một mặt EVN vẫn vừa chống dịch, đáp ứng yêu cầu sản xuất; vừa đảm bảo an ninh cung cấp điện và cam kết đảm bảo cung cấp điện cả năm 2020 với nhu cầu phụ tải và tần suất nước theo các kịch bản. Trong đó có các hoạt động cung cấp điện liên tục, an toàn cho các cơ sở y tế điều trị; khu vực cách ly tập trung. Đồng thời, toàn đơn vị đã tích cực tham gia, hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống dịch hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể khác.
Quay trở lại với việc giảm giá điện, tiền điện, EVN đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện việc giảm giá điện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho khách hàng nhằm góp phần chung tay hỗ trợ khách hàng tác động bởi dịch COVID-19. Trong đó có yêu cầu các Tổng công ty/công ty Điện lực rà soát, thống kê các đối tượng khách hàng được hỗ trợ tiền điện, đề ra các giải pháp để đảm bảo cấp điện ổn định và an toàn cho các đối tượng này trong thời gian chống dịch.
Các đơn vị thành viên cam kết sẽ huy động đầy đủ nhân lực, vật lực để triển khai ngay việc giảm giá điện trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo đúng đối tượng, thời gian.
Đánh giá về những nỗ lực của EVN, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho rằng: Việc giảm giá điện trong bối cảnh cả nước ứng phó với COVID-19 là quyết định cần thiết, đúng đắn và thể hiện trách nhiệm của EVN - một doanh nghiệp nhà nước góp sức cùng Chính phủ, các bộ, các ngành tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của tầng lớp nhân dân trong bối cảnh bị tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19.
“Với quyết định như vậy, tổng số tiền giảm giá trong 3 tháng khoảng 11.000 tỷ đồng. Đây là cố gắng rất lớn của EVN trong bối cảnh khó khăn chung của cả nền kinh tế, trong đó có cả ngành Điện. Chúng ta luôn mong muốn nhiều hơn nhưng bối cảnh khó khăn chung thì quyết định giảm giá điện trên là hoàn toàn chấp nhận được”, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết.
Cũng theo ông Thỏa, với quyết định giảm giá như vậy sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh từ tiêu dùng điện năng cho các doanh nghiệp và họ kinh doanh và giảm chi phí chi tiêu cho các hộ tiêu dùng điện. Về về vĩ mô giúp kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng theo sát chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, theo ông Thỏa, việc giảm giá này sẽ tác động lớn đến thu ngân sách nhà nước và tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN. Chính vì vậy, từ nay đến cuối năm ngành Điện cần phải cố gắng hết sức đưa ra phương thức vận hành hệ thống điện hợp lý để tiết kiệm chi phí. Cùng với đó, rà soát lại các khoản chi tiêu cho hợp lý hơn, đồng thời hi sinh lợi nhuận của mình để trang trải lại chi phí sản xuất kinh doanh trong đợt giảm giá điện này.
Theo Báo Công Thương Điện Tử