Thế nào là thực phẩm an toàn
Trên thực tế, các loại rau sạch, thịt sạch gọi là rau an toàn, thịt an toàn thì chính xác hơn, tạm hiểu là người tiêu dùng sẽ được “an toàn” khi sử dụng các sản phẩm này. Rau, thịt an toàn còn phải được đảm bảo “an toàn” ở khâu chế biến, đóng gói, bảo quản… để thực phẩm không bị biến chất và nhiễm khuẩn.
Ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành các bộ tiêu chuẩn về trồng trọt an toàn, chăn nuôi an toàn và thủy sản an toàn gọi là VietGAP (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam). Bộ tiêu chuẩn này bao gồm nhiều yếu tố như: đất trồng không nhiễm bẩn, nguồn nước tưới không bị ô nhiễm hoặc phải qua xử lý, giống tốt và cây con khỏe mạnh, sử dụng phân hữu cơ hoai mục bón cho rau…
Phổ biến nhất hiện nay là rau an toàn, nghĩa là loại rau chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và theo các yêu cầu sau: Không sử dụng loại thuốc cấm sử dụng cho rau; chọn các thuốc có hàm lượng hoạt chất thấp, ít độc hại với thiên địch, các động vật khác và con người; ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc); tùy theo loại thuốc mà thực hiện theo hướng dẫn về sử dụng và thời gian thu hoạch…
|
Thực phẩm an toàn (hay thực phẩm sạch) từ lâu đã là mối quan tâm của toàn thế giới, bởi việc sử dụng thực phẩm không an toàn (thực phẩm bẩn) là mối nguy cơ lớn đến sức khỏe con người. |
Thực phẩm hữu cơ
Rau và thịt được sản xuất theo phương pháp hữu cơ là mức cao nhất trong sản xuất thực phẩm sạch. Nông nghiệp hữu cơ thực hành các phương pháp trồng trọt và chăn nuôi hoàn toàn dựa vào tự nhiên, không hóa chất, không nhân tạo.
Không gây hại cho con người
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tiến hành nhiều nghiên cứu công phu và đi đến kết luận, thực phẩm không an toàn có thể gây ra những vấn đề rất lâu dài với sức khỏe của người dùng. WHO ước tính có đến hơn 200 loại bệnh liên quan đến thực phẩm không an toàn.
Khái niệm thực phẩm an toàn (hay thực phẩm sạch) khá rộng và trừu tượng, nên có nhiều quan niệm khác nhau. Theo WHO, thực phẩm đạt mức an toàn là khi không chứa hoặc chứa hàm lượng ở mức chấp nhận được các chất ô nhiễm hay vi khuẩn mà bình thường có thể gây nhiễm độc, hoặc bất kỳ chất nào khác có thể khiến thực phẩm trở nên có hại cho sức khỏe. Nói cách khác, thực phẩm an toàn là loại thực phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng phù hợp, thiết yếu mà không gây hại cho sức khỏe của người sử dụng do các loại ô nhiễm hóa chất, ô nhiễm sinh học hay các hình thức ô nhiễm khác gây ra.
Đây thực chất là cách gọi đối lập với khái niệm “bẩn”, rau bẩn, thịt bẩn. Khi một đơn vị sản xuất thịt lợn và tuyên bố thịt lợn của mình là "thịt lợn sạch" thì được hiểu là lợn được chăn nuôi khoa học bằng nguồn thức ăn sạch, không sử dụng thuốc tăng trọng, chất tạo nạc hay bất kỳ loại thuốc nào khiến lợn tăng cân nhanh, tích nước, thu ngắn thời gian chăn nuôi một cách phi tự nhiên và phản khoa học, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
|
Muốn biết thực phẩm sạch hay bẩn một cách chính xác thì cần phải kiểm tra qua một quá trình xét nghiệm kỹ lưỡng. |
Đặc điểm của sản phẩm an toàn
Sản phẩm thực phẩm an toàn là sản phẩm:
Không chứa tồn dư thuốc BVTV, hoá chất, kháng sinh cấm hoặc vượt quá giới hạn cho phép.
Không chứa tạp chất (kim loại, thuỷ tinh, vật cứng …)
Không chứa tác nhân sinh học gây bệnh (vi rút, vi sinh vật, ký sinh trùng)
Bên cạnh đó thực phẩm cần phải:
Có nguồn gốc, xuất xứ đầy đủ, rõ ràng;
Được kiểm tra, đánh giá chứng nhận về ATTP.
Thế nào là thực phẩm bẩn
Thực phẩm bẩn là tên gọi mà người ta thường nói khi nhắc tới những loại thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y Tế, gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng chúng. ‘Thực phẩm bẩn’ bây giờ trở thành một danh từ phổ biến và mang ý nghĩa bao trùm. Nó được sử dụng ở khắp mọi nơi. Hàng loạt cơ quan truyền thông tuyên chiến với ‘thực phẩm bẩn’.
Tuy nhiên, đây chỉ là cách gọi chung chung của đa số người dân chứ không có định nghĩa rõ ràng và theo đúng thì chỉ có quy chuẩn về thực phẩm an toàn cũng như không an toàn. Mỗi loại thực phẩm đều có quy định riêng về ngưỡng an toàn và khi có loại thực phẩm nào đó chứa những yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe con người thì mới được gọi là thực phẩm không an toàn.
Có phải ‘bẩn’ nghĩa là gây hại cho sức khoẻ, hoặc cụ thể hơn là ‘gây ung thư’. Nếu vậy thì trong rau thịt có chứa hoá chất nào thì có thể gây hại cho sức khoẻ, loại hoá chất nào gây ung thư, hay là chỉ cần có chứa vi khuẩn e-coli – tức là mất vệ sinh ở mức cơ bản nhất – thì đã gây ung thư rồi. Và nếu xét khái niệm ‘bẩn’ ở góc độ này thì có bao nhiêu loại hoá chất cần cấm, bao nhiêu loại hoá chất nông dân cứ tự nhiên mà sử dụng.
Thực phẩm bẩn rất khó phát hiện bằng mắt thường của chúng ta. Những người có kinh nghiệm quan sát khi đi chợ có thể phân biệt được tuy nhiên trong đa số trường hợp không thể nhận biết được đâu là thực phẩm bẩn và đâu là thực phẩm an toàn. Vì ngày nay các đối tượng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm có nhiều thủ đoạn tinh vi khiến người tiêu dùng mắc lừa chúng. Cách đây một năm cũng có vụ giả thịt lợn thành thịt bò, nhiều người vẫn không thể phân biệt được hai loại thịt này vì sau khi xử lý bằng hoá chất rất khó có thể phân biệt. Muốn biết chính xác thì cần phải nhờ vào việc kiểm tra qua một quá trình xét nghiệm kỹ lưỡng của những người có nhiều kinh nghiệm hoặc có trình độ chuyên môn.
Theo ĐSPL