Lừa bán hàng giả qua fanpage mạo danh Lazada, Shopee
Thời gian gần đây, nhiều hội nhóm về công nghệ đã liên tục đưa ra lời cảnh báo về việc xuất hiện nhiều Fanpage có tên giống với các trang TMĐT nổi tiếng để bán điện thoại giảm giá tới 50%, nhưng thực chất lại là hàng giả hoặc bán các sản phẩm mỹ phẩm giá rẻ.
Cụ thể, thủ đoạn chung của các đối tượng sẽ là là lợi dụng tên tuổi của các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Shopee, Lazada, đồng thời đánh vào tâm lý thích mua hàng giá rẻ của người Việt. Kẻ xấu đã xây dựng niềm tin bằng cách lập các website với tên miền dễ gây nhầm lẫn,như Voucher Shopee 24h, Lazada Smart Life... đồng thời "nhái" cả nội dung lẫn giao diện.
Cùng với đó, các trang này thường tung quảng cáo sốc: "Xả kho, giảm giá 49%", "Giảm giá sốc 50%"…
|
Một trang Facebook được cho là lừa đảo người tiêu dùng - Ảnh chụp màn hình |
Để tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng, những tổ chức này còn lập nên các fanpage trên Facebook sao chép nguyên nội dung của Shopee hoặc Lazada, sau đó chạy quảng cáo hướng người dùng truy cập vào website đặt hàng mà họ lập ra. Chỉ cần có số điện thoại, một nhân viên telesale sẽ gọi điện tư vấn, lôi kéo người dùng.
Trước đó, báo chí đưa tin một người tiêu dùng tại TP HCM đã mua điện thoại Samsung Galaxy A70 với lời giới thiệu "Xả kho, giảm giá 49%" từ một Fanpage có tên giống với một trang TMĐT nổi tiếng với số tiền 3,39 triệu đồng. Tuy vậy, chiếc máy mới mua sập nguồn ngay trong lần đầu sử dụng và sau đó không thể bật lên nữa. Kiểm tra kỹ, các phụ kiện đi kèm đều không có thương hiệu và không thể sử dụng được. Liên hệ với hotline của trang TMĐT để yêu cầu bảo hành, người tiêu dùng này mới biết đã mắc lừa bởi đơn hàng không có trên hệ thống.
Tương tự, chị Bùi Thanh Xuân, nhân viên ngân hàng ở quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ, một lần vào mạng, chị thấy một Fanpage khá giống trang của một siêu thị điện máy nổi tiếng, nơi chị thường xuyên mua hàng đăng tin xả kho điện thoại iPhone 7 với giá chỉ từ 6 triệu đồng...
Mặc dù đang có nhu cầu đổi điện thoại song chị Xuân vẫn gọi đến siêu thị điện máy để kiểm tra. Rất may, chị Xuân được nhân viên trực tại đây cho biết, hiện siêu thị không có bất cứ chương trình khuyến mại nào đối với sản phẩm điện thoại iPhone 7 và Fanpage đó là giả mạo, không phải Fanpage chính thức của siêu thị.
Thủ đoạn chung đều là lợi dụng tên tuổi của các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như Shopee, Lazada, đồng thời đánh vào tâm lý thích mua hàng giá hời của người Việt. Kẻ xấu đã xây dựng niềm tin bằng cách lập các website với tên miền dễ gây nhầm lẫn,như Voucher Shopee 24h, Lazada Smart Life... đồng thời "nhái" cả nội dung lẫn giao diện.
Để thu hút khách hàng, những tổ chức này còn lập nên các fanpage trên Facebook sao chép nguyên nội dung của Shopee hoặc Lazada, sau đó chạy quảng cáo hướng người dùng truy cập vào website đặt hàng mà họ lập ra. Chỉ cần có số điện thoại, một nhân viên telesale sẽ gọi điện tư vấn, lôi kéo người dùng "chốt đơn".
Chia sẻ với tờ VnExpress, anh Quang Hưng, một chuyên gia về thương mại điện tử, thủ đoạn này không mới nhưng ngày càng tinh vi, khiến người dùng dễ mắc lừa. Ngoài việc xây dựng một hệ thống bán hàng chuyên nghiệp, các tổ chức này còn đánh trúng tâm lý thích mua hàng giá rẻ và đặt giá ở mức 3-4 triệu đồng cho một chiếc điện thoại - đây là số tiền mà người dùng dễ dàng chấp nhận và đặt mua ngay mà không cần suy nghĩ. Bên cạnh đó, do đặc thù của ship COD là không cho bóc seal, người dùng sẽ không thể biết được chất lượng sản phẩm trước khi "xuống tiền".
Làm gì để không “mắc bẫy”?
Về hiện tượng trên, theo đại diện một sàn thương mại điện tử, các sàn sẽ không chịu trách nhiệm đối với những giao dịch mua nhầm hàng giả, hàng nhái không thuộc hệ thống quản lý của họ. Tuy vậy, hành vi mạo danh đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu và uy tín của những sàn làm ăn chân chính. Để tránh rủi ro, người tiêu dùng cần thận trọng trước khi tiến hành giao dịch thương mại điện tử.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, giai đoạn 2018-2020, tốc độ tăng trưởng của chuyển phát cho thương mại điện tử là 60%. Tuy phát triển nhanh và bùng nổ, nhưng hiện tượng lợi dụng hình thức kinh doanh trực tuyến để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt cho người tiêu dùng cũng xảy ra ngày càng phổ biến. Đáng lưu ý, các website và mạng xã hội dễ dàng tạo ra và đóng lại trong thời gian rất nhanh, khó kiểm soát, do vậy hành vi lừa đảo bán hàng qua online khó ngăn chặn, kiểm soát triệt để.
|
Sản phẩm đến tay khách hàng nhìn rất "dại" |
Theo ông Nguyễn Trọng Bình, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, để không bị mắc lừa khi mua hàng online, khách hàng phải nâng cao cảnh giác, trong đó lưu ý các vấn đề sau: Hạn chế việc chuyển tiền trước để đặt cọc mua hàng mà không rõ thông tin về người bán. Đối với hàng hóa có giá trị cao, cần hạn chế việc nhận và chuyển hàng qua các dịch vụ vận chuyển. Cần trực tiếp kiểm tra hàng trước khi đồng ý mua. Kiểm tra kỹ các thông tin như website bán hàng, tài khoản rao vặt, nguồn gốc hàng hóa xem có nhiều khiếu nại về các thông tin này hay không? Bên cạnh đó, nếu chẳng may là nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo bán hàng trên, cần thông tin cho các cơ quan chức năng và các diễn đàn thương mại điện tử để cảnh báo cho mọi người.
Có thể nói, hoạt động lừa đảo qua mạng bằng nhiều hình thức, trong đó có bán hàng online ngày càng phức tạp. Do vậy, mỗi người trước khi quyết định mua sắm online, cần lựa chọn địa chỉ uy tín, danh tính người bán rõ ràng, hình thức thanh toán minh bạch. Đặc biệt thận trọng, cảnh giác trước các trang web ảo, không được cấp phép nhưng yêu cầu quá cụ thể, chi tiết các thông tin cá nhân của khách hàng.