Báo cáo trên dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á trong năm 2020 sẽ giảm 4,2%. Báo cáo cũng nhận định sự phục hồi hoạt động kinh tế của khu vực trong những quý tới vẫn không chắc chắn, đặt biệt là trong quý 4/2020.
Cụ thể, các nền kinh tế kiểm soát tốt dịch bệnh như Thái Lan và Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn so với Indonesia và Philippines khi hai nước này đang phải vật lộn với những làn sóng bùng phát mới của đại dịch Covid-19 sau khi những biện pháp hạn chế ở các nước này được nới lỏng sớm.
Báo cáo cũng lưu ý cả Indonesia và Philippines vẫn rất dễ bị tổn thương vì hai nước này có cơ sở hạ tầng y tế công yếu kém hơn, các mức hỗ trợ tài chính thấp hơn và nền kinh tế hướng theo tiêu dùng hơn so với các nước khác trong khu vực. Tốc độ phục hồi của Indonesia được cho là chậm. GDP năm 2020 của Indonesia dự kiến giảm 2,7% trước khi tăng 6,2% trong năm 2021.
|
Trong khi đó, Philippines được dự báo ghi nhận số liệu GDP kém nhất trong khu vực Đông Nam Á với mức ước giảm 8,2% trong năm nay, do phụ thuộc nhiều vào ngành du lịch và chậm dỡ bỏ lệnh phong tỏa chống dịch bệnh.
Còn xuất khẩu của Malaysia hưởng lợi từ nhu cầu nhập khẩu được cải thiện của Trung Quốc. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi kinh tế của Malaysia sẽ chậm do nhu cầu yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao và đầu tư suy yếu trên toàn cầu. Nền kinh tế Malaysia được dự báo sẽ giảm 6% trong năm 2020 trước khi phục hồi với mức tăng trưởng 6,6% vào năm 2021.
Việt Nam sẽ là nền kinh tế duy nhất ở khu vực đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Trước đó, hầu hết, các tổ chức tài chính quốc tế cũng đều dự báo, trong số các nước Đông Nam Á, duy nhất kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng dương trong năm nay.
Theo ông Mark Billington - Giám đốc ICAEW khu vực Trung Quốc và Đông Nam Á, mức độ ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 đến từng nền kinh tế là khác nhau, do vậy cách đối phó của mỗi quốc gia với cuộc khủng hoảng cũng là khác nhau. Các quốc gia có thể đạt được sự cân bằng giữa việc duy trì hoạt động kinh tế và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh sẽ có khả năng phục hồi kinh tế nhanh hơn so với các nước còn lại.
Đặc biệt, các quốc gia đã làm tốt nhiệm vụ ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh như Việt Nam và Thái Lan sẽ có thể phục hồi mạnh mẽ hơn những nước đang phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh bùng phát mới.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, tăng trưởng luôn ở ấn tượng. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; chính sách tiền tệ được thực hiện tương đối tốt; dự trữ ngoại hối đạt khoảng 92 tỷ USD và dự kiến đến cuối năm có thể đạt con số 100 tỷ USD; xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%. Xuất siêu trên 11,9 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ nét, tăng so với cùng kỳ gần 31%, mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Nhiều địa phương đã tuyên bố giải ngân đạt 100% trong năm nay; phát triển doanh nghiệp đạt một số kết quả tích cực. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 30%...
Mới đây, tại hội thảo Kết nối đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, do Trung tâm ASEAN - Nhật Bản và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tổ chức, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam nhận định, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ phục hồi ngay khi dịch Covid-19 được khống chế.
Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều chính sách thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân khác là do Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do và từng bước tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hà Linh (T/H)/Sở hữu trí tuệ