Mới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã đề xuất đầu tư xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng do cầu Long Biên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là lan can 2 bên thành cầu và cầu rung mỗi khi tàu di chuyển qua.
Được biết, đây là cây cầu huyết mạch, con đường ngắn nhất kết nối các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn với đường sắt quốc gia đi qua nội đô Hà Nội với tuyến đường sắt Bắc - Nam.
|
Cầu Long Biên hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, không thể thực hiện kết nối vận tải. (Ảnh: Internet) |
Ông Phan Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện nay, hàng hóa từ tuyến phía Đông đi tuyến phía Nam (Hà Nội - TP.HCM) phải đi đường vòng vành đai phía Tây (cầu Thăng Long). Theo đó, hành trình vận chuyển từ Gia Lâm - Yên Viên - Đông Anh - Bắc Hồng - cầu Thăng Long - Hà Đông - Văn Điển và về ga lập tàu là Giáp Bát. Quãng đường đi vòng này khiến hành trình các đoàn tàu phải kéo dài thêm 60 km.
Tương tự, hàng hóa từ tuyến phía Nam ngược ra cũng phải đi theo tuyến đường sắt vành đai phía Tây để lên các tuyến biên giới. Vì vậy, nếu đoàn tàu đi từ Hà Nội tới Lào Cai sẽ xa thêm 40 km, còn đi Hà Nội - Lạng Sơn xa thêm 50 km.
Theo dự tính của VNR, việc các tuyến đường sắt di chuyển theo tuyến vành đai phía Tây sẽ đội chi phí lên rất nhiều. Tuy nhiên không còn cách nào khác bởi ở Hà Nội, ngoài cầu Long Biên thì chỉ có cầu Thăng Long là cầu đường sắt vượt sông Hồng.
“Việc đầu tư cầu đường sắt vượt sông Hồng còn đón bắt cơ hội vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghiệp Hà Nam, Nam Định… về cảng Hải Phòng. Nếu bắt họ đi đường vòng như hiện nay, chi phí cao, doanh nghiệp sẽ chuyển đi đường bộ hết. Khi có cầu đường sắt mới, việc kết nối, chuyển tàu đối với hành khách giữa các tuyến đường sắt quốc gia cũng thuận tiện hơn, không phải đi qua tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm”, ông Quốc Anh thông tin.
Cũng theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Cục Đường sắt Việt Nam vừa trình dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch này, Cục Đường sắt nêu phương án không sử dụng cầu Long Biên để kết nối đường sắt quốc gia, sẽ xây dựng tuyến đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội theo hướng Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Viên - Bắc Hồng, trong đó có đoạn từ Ngọc Hồi (tuyến phía Nam) đến Lạc Đạo (tuyến phía Đông).
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, kết nối giữa hai ga nói trên sẽ có cầu đường sắt mới gần vị trí cầu Thanh Trì, khi hoàn thành tuyến vành đai phía Đông sẽ thay thế toàn bộ đoạn tuyến qua cầu Long Biên hiện có.
Đồng thời, Cục Đường sắt đang đề xuất ưu tiên bố trí vốn để đầu tư xây dựng tuyến vành đai phía Đông trong giai đoạn 2021-2030, với nhu cầu vốn khoảng 8.100 tỉ đồng. Sau khi quy hoạch mạng lưới và đề xuất này được phê duyệt, đến giai đoạn lập quy hoạch chi tiết mới xác định chi tiết vị trí cầu đường sắt mới và lập dự án đầu tư.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Dân - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, hiện đường sắt đang đẩy mạnh khai thác vận tải hàng nông sản từ miền Nam ra như: trái cây tươi, sắn lát… xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu ga Lào Cai, ga Đồng Đăng. Chiều hàng nhập Trung Quốc về rồi đi tuyến phía Nam cũng rất lớn.
“Nhu cầu kết nối vận tải hàng các tuyến qua sông Hồng rất lớn. Tuy nhiên, hiện không thể kéo thẳng tàu qua cầu Long Biên mà đều phải có thêm các tác nghiệp kỹ thuật khác trong tổ chức chạy tàu, dẫn đến phát sinh chi phí. Nếu không muốn qua cầu Long Biên, sẽ phải chọn đi đường xa là vành đai phía Tây qua cầu Thăng Long. Đi đường nào cũng mất thời gian, thêm chi phí”, ông Dân chia sẻ.
Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng cần xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng, để kết nối các tuyến đường sắt quốc gia phía Đông, phía Bắc với các tuyến phía Nam, rút ngắn quãng đường và không phải đi qua tuyến đường sắt xuyên tâm Hà Nội.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường