Cụ thể, tập đoàn công tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Xiaomi cho biết đã chính thức hoàn tất việc đăng ký kinh doanh cho đơn vị phụ trách mảng xe điện của hãng, đánh dấu cột mốc mới nhất trong nỗ lực “lấn sân” sang ngành công nghiệp ô tô của gã khổng lồ smartphone này.
Theo đó, Xiaomi thành lập công ty con với với tên gọi Xiaomi EV Inc, có số vốn ban đầu 10 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 1,55 tỷ USD), và người đại diện theo pháp luật là ông Lei Jun, Giám đốc Điều hành của hãng.
Xiaomi EV hiện có 300 nhân viên, công ty cho biết, hoạt động kinh doanh được dẫn dắt bởi người sáng lập kiêm CEO Lôi Quân của tập đoàn. Giám đốc điều hành Xiaomi Lôi Quân tổ chức một cuộc họp báo giới thiệu logo mới của Xiaomi và kế hoạch sản xuất xe điện của tập đoàn vào ngày 30/3/2021 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
|
-- |
Trao đổi với báo chí, đại diện Xiaomi cho biết, trong 5 tháng qua, bộ phận mới đã tiến hành nghiên cứu sâu rộng về đối tượng người dùng và liên hệ với các đối tác trong ngành. Về cơ bản, doanh nghiệp mới vẫn chưa sẵn sàng giới thiệu bất kỳ chiếc xe điện nào hoặc nguyên mẫu của nó.
Trước đó, Xiaomi thông báo đã mua công nghệ lái xe tự khởi động Deepmotion với giá hơn 77 triệu USD để nghiên cứu và thúc đẩy khả năng cạnh tranh trong mảng xe điện. Đầu tháng 8, Reuters đưa tin Xiaomi đàm phán với tập đoàn bất động sản Evergrande Group để mua cổ phần trong công ty ôtô của hãng này. Phản hồi về thông tin trên, phát ngôn viên Xiaomi viết trên tài khoản mạng xã hội của công ty rằng họ đang liên hệ với một số nhà sản xuất ôtô nhưng vẫn chưa quyết định sẽ hợp tác với bên nào.
Với việc gia nhập thị trường xe điện, Xiaomi sẽ phải thực hiện rất nhiều việc để giành được vị trí tốt trên thị trường xe điện Trung Quốc. Quốc gia này đang có những gã khổng lồ như Nio và Xpeng, cũng như các công ty nổi tiếng thế giới như Tesla và BYD của Trung Quốc, trong đó BYD nhận sự hỗ trợ của ông trùm tài chính Warren Buffett.
Thị trường ô tô điện trong nước cũng đang "nóng"
Thời điểm năm 2020, Việt Nam đã có những mẫu xe điện Tesla, Nissan được nhập khẩu theo diện tư nhân và ít nhiều gây được sự chú ý với khách hàng. Bên cạnh đó, cũng có vài nhà sản xuất đưa ôtô điện về nước để nghiên cứu thị trường, kết hợp cùng chạy thử nghiệm, chẳng hạn như Mitsubishi hay Audi.
Tuy vậy, đến nay hiện chỉ có một dòng ôtô điện nhập khẩu được bán chính hãng tại Việt Nam là Porsche Taycan. Dù có giá bán đắt đỏ, mẫu xe thể thao của Porsche vẫn tạo được hiệu ứng tích cực, phần nào cho thấy người dùng Việt sẵn sàng đón nhận ôtô điện thay thế cho xe hơi truyền thống.
Từ đó, hàng loạt mẫu xe điện manh nha “cập bến” tại Việt Nam, từ dạng xuất hiện thông tin trực tuyến, chạy thử, đặt hàng trước cho đến chuẩn bị mở bán.
Mở đầu làn sóng ôtô điện trong năm nay tại Việt Nam là VinFast VF e34. Mẫu SUV đô thị được VinFast giới thiệu vào tháng 3 và vài lần được bắt gặp chạy thử trên đường phố.
Bên cạnh mức giá đề xuất 690 triệu đồng, VinFast VF e34 còn gây chú ý với chính sách cho thuê pin trị giá 17,4 triệu đồng mỗi năm. VinFast VF e34 dự kiến bán giao đến khách hàng vào tháng 11 năm nay.
Mẫu ôtô điện phổ thông của VinFast có thông số vận hành phù hợp cho mục đích sử dụng hàng ngày ở đô thị. Động cơ điện mạnh 148 mã lực kết hợp cùng cụm pin dung lượng 42 kWh cho phạm vi hoạt động tối đa khoảng 300 km. Khi sử dụng trạm sạc nhanh, VF e34 có thể đi được quãng đường 180 km sau 15 phút nạp năng lượng.
Quý IV cũng là thời điểm mẫu xe “anh em” với Porsche Taycan là Audi e-tron GT có thể được ra mắt. Hình ảnh mẫu xe điện của thương hiệu 4 vòng tròn cập cảng Việt Nam đã xuất hiện trên mạng xã hội, đi kèm thông tin chuẩn bị chào bán. Vào tháng 3, Audi e-tron GT đã trình làng tại Thái Lan với 3 phiên bản, giá đề xuất dao động 207.000-307.000 USD.
Nằm ở phân khúc xe điện hiệu năng cao, e-tron GT trang bị 2 động cơ điện bố trí ở 2 trục để tạo thành hệ dẫn động AWD, đi cùng hộp số 2 cấp tương tự Taycan để tối ưu hiệu suất vận hạnh. Phiên bản cao cấp nhất Audi RS e-tron GT quattro có công suất cực đại 646 mã lực, mô-men xoắn cực đại 828 Nm. Khả năng tăng tốc 0-100 km/h trong 3,3 giây, trong khi cụm pin 86 kWh cho phạm vi hoạt động lên đến 488 km.
Thông số của Audi e-tron GT kém hơn đôi chút khi đặt cạnh Porsche Taycan. Ở phiên bản Turbo S mạnh nhất, 2 động cơ điện của Taycan có thể cung cấp công suất lên đến 750 mã lực, mô-men xoắn 1.050 Nm nhờ chế độ Overboost, thời gian tăng tốc 0-100 km/h chỉ 2,8 giây. Tùy theo phiên bản, Porsche Taycan tại Việt Nam trang bị cụm pin 79,2 kWh hoặc 93,4 kWh, đi cùng giá bán đề xuất 4,76-9,55 tỷ đồng.
Vào tháng 4, Mercedes-Benz Việt Nam từng gây chú ý khi bổ sung vào danh mục sản phẩm phần Xe điện, kèm theo đó là dòng chữ “Sẽ ra mắt” đối với mẫu sedan EQS. Mercedes-Benz EQS được xem là biến thể chạy điện của S-Class
Tiếp đến, Nissan Việt Nam tiến hành đăng ký bản quyền công nghiệp cho mẫu SUV chạy điện có tên Ariya. Mặc dù đại diện truyền thông của Nissan cho biết hãng chưa có kế hoạch ra mắt xe điện, thông tin về Nissan Ariya vẫn nhận được sự quan tâm khi đây được xem là đối thủ của VinFast VF e35, mẫu ôtô điện dự định bán ra tại Mỹ vào năm sau.
Mới đây nhất, VinFast vừa đăng ký bản quyền cho 2 mẫu SUV mới. Nhiều khả năng đây sẽ là ôtô điện khi thiết kế của xe không có lưới tản nhiệt. Điều này hứa hẹn khả năng hãng xe Việt Nam sẽ giới thiệu thêm nhiều mẫu ôtô thân thiện với môi trường trong tương lai.
Trong buổi tọa đàm với chủ đề "Xu hướng phát triển ôtô điện trên thế giới và cơ hội tại Việt Nam", ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG cho rằng, cần có cam kết, mục tiêu rõ ràng và lộ trình cụ thể để có thể hiện thực hóa tiềm năng của ôtô điện nói riêng và sản phẩm xanh nói chung tại thị trường Việt Nam.
Theo ông Hùng, giảm giá mua ôtô điện của người dùng và tạo dựng hệ thống hạ tầng là những yếu tố quan trọng để phát triển loại xe này tại Việt Nam. Những hình thức như giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế linh kiện, giảm phí sử dụng đường bộ, phí trước bạ hay giảm giá điện cho những người dùng điện sạc pin ôtô có thể được áp dụng để giảm giá bán và chi phí sử dụng, qua đó khuyến khích người dân dùng xe điện.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định để ôtô điện phát triển tại Việt Nam, cần các chính sách, giải pháp cụ thể, có tính liên thông, liên ngành và tác động trên nhiều mặt, nhằm hỗ trợ cả nhà sản xuất và người dùng.