Khi một loạt dự án giao thông trọng điểm ở TP.Hồ Chí Minh được lên kế hoạch đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đều phải tạm dừng theo Nghị quyết 437/NQ-UBTVQH14 (ngày 21.10.2017, quy định không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu), TP.Hồ Chí Minh đã tính toán chuyển các dự án này sang hình thức đầu tư công. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn thì các dự án này vẫn phải tiếp tục chờ.
Nhiều dự án BOT, BT bị ách tắc
Ngày 18.10, trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Vĩnh Ninh - Phó giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.Hồ Chí Minh cho biết, việc xây dựng khép kín đường vành đai 2 sẽ được đầu tư toàn bộ bằng vốn ngân sách, thay vì đầu tư một phần vốn ngân sách và một phần theo hình thức BT (xây dựng chuyển giao) như trước. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.Hồ Chí Minh sẽ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng 3 đoạn của đường vành đai 2 nhằm khép kín đường này với tổng chiều dài 64km cho 8 - 10 làn xe lưu thông.
|
Trong đó, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến nút giao thông Bình Thái (Quận 9) dài 3,8km, rộng 67m, đoạn 2 từ nút giao thông Bình Thái đến ngã ba Linh Đông (Quận Thủ Đức) dài 2km, rộng 67m và đoạn 3 từ nút giao thông An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh dài 5,3km, rộng 60m. Ông Ninh cho biết, tổng mức đầu tư 3 đoạn đường vành đai trên khoảng 14.000 tỉ đồng và theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2019, các dự án khép kín đường vành đai 2 sẽ được trình HĐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư.
Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, không chỉ dự án đường vành đai 2, các dự án hạ tầng giao thông cửa ngõ gồm quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 50, Quốc lộ 1A (qua huyện Bình Chánh) và nút giao thông An Phú (Quận 2) trước đây được đề xuất theo hình thức BOT, BT nhưng đều bị ách tắc do thiếu vốn và phải thực hiện Nghị quyết 437. Vì vậy, UBND TP.Hồ Chí Minh đã giao cho Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP thực hiện thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư công.
Để dự án cấp bách này không phải nằm chờ, ông Ninh cho biết, Ban sẽ đề nghị tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và xây lắp thành hai nguồn vốn đầu tư khác nhau. Trong đó, giải phóng mặt bằng sẽ dùng tiền ngân sách, còn phần xây lắp sẽ kêu gọi nhà đầu tư thực hiện để tiết kiệm ngân sách.
Tuy nhiên, đối với dự án nào cấp bách quá thì sẽ sử dụng toàn bộ bằng nguồn vốn ngân sách để thực hiện.
Tạo nguồn vốn từ quỹ đất hai bên đường
Theo Sở GTVT TP.Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2020 cần tới 32.997 tỉ đồng cho 172 dự án giao thông trọng điểm, trong đó có 40 dự án thực hiện hình thức đối tác - công tư (PPP). Nhưng quá trình triển khai cho thấy công tác huy động vốn thực hiện các dự án gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh ngân sách thành phố chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu xây dựng hạ tầng, việc chuyển các dự án từ BOT, BT sang đầu tư công không đơn giản vì mức đầu tư các dự án rất lớn.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - chuyên nghiên cứu về giao thông - đô thị cho rằng, lâu nay các dự án giao thông thường đặt câu hỏi là nguồn vốn đâu, nhưng thực tế chúng ta chưa khai thác hết được nguồn vốn từ quỹ đất dọc tuyến đường đi qua. Ông Sơn cho rằng, TP.Hồ Chí Minh cần quy hoạch tổng thể tại dự án cần kêu gọi đầu tư. Chẳng hạn, thành phố kêu gọi đầu tư vào một con đường, thành phố nên lập quy hoạch chi tiết và tiến hành giải phóng mặt bằng rộng hơn quỹ đất hai bên đường. Sau đó, tổ chức đấu giá khu đất cho nhà đầu tư.
Điều này giúp nhà đầu tư tính toán được lợi nhuận có được, đồng thời giúp nhà nước thu được nhiều tiền hơn về cho ngân sách.
“Đền bù giải tỏa lấy thêm mỗi bên 50 - 100m rồi sau đó đấu giá lại cho nhà đầu tư. Mình đấu giá cho họ một lợi nhuận hợp lý. Khi đó nhà đầu tư có lợi, nhà nước cũng nắm được số tiền sẽ thu được. Số tiền nhà nước thu được chắc chắn sẽ cao hơn số tiền nhà nước bỏ ra làm con đường” - ông Sơn đề xuất.
Để làm được việc này, theo ông Sơn thành phố không nên giao dự án này cho một mình Sở GTVT mà phải xây dựng các quy hoạch chi tiết tại khu vực dự án hạ tầng giao thông cần kêu gọi đầu tư với sự tham gia của nhiều sở, ngành như: Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Xây dựng cùng sự điều hành giám sát của một lãnh đạo thành phố.