Sở GTVT Hà Nội đang khẩn trương tổng hợp các ý kiến đóng góp nhằm sớm hoàn thiện Dự thảo Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn trình UBND TP Hà Nội xem xét và dự kiến quy chế sẽ được ban hành ngay trong năm 2019.
Theo Sở GTVT Hà Nội, mô hình hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi xuất hiện tại Hà Nội từ năm 1993, sau hơn 20 năm phát triển, đến nay số lượng phương tiện taxi lên tới trên 19.200 xe của 73 doanh nghiệp, hợp tác xã.
Hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi đã đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, đến nay, loại hình vận tải này đang bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, chất lượng cung ứng dịch vụ thấp; giá dịch vụ cao và ít thay đổi so với biến động của thị trường và cao so với chất lượng cung ứng dịch vụ; chưa tạo ra được hình ảnh văn minh, văn hóa trong nếp sống, đi lại của Thủ đô.
Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi và bảo đảm trật tự an toàn giao thông, việc xây dựng quy chế taxi là cần thiết góp phần tạo nét văn minh của Thủ đô.
Đáng chú ý, tại dự thảo quy chế lần này, ngoài quy định phân thành 2 vùng hoạt động để điều tiết nhằm bảo đảm không quá nhiều xe taxi tập trung tại khu vực trung tâm gây khó khăn cho công tác tổ chức giao thông, Sở GTVT Hà Nội cũng quy định 5 màu sơn chung.
|
Ảnh minh họa. |
Từ năm 2026, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố. Các doanh nghiệp taxi được lựa chọn các màu đã quy định và đăng ký thương hiệu riêng của mình. Quá trình lấy ý kiến đã thống nhất 5 màu sơn cơ bản gồm: vàng, đỏ, trắng, xanh, ghi. Đây là 5 màu chủ đạo của xe taxi hiện đang được các hãng taxi trên địa bàn thành phố sử dụng.
Nhiều ý kiến trái chiều
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Sinh Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho ý kiến trên trang thoidaipus: Việc đưa ra quy chế để quản lý taxi là điều cần thiết. Tuy nhiên ông không đồng tình với thống nhất thiết kế 5 màu cơ bản (vàng, đỏ, trắng, xanh, ghi) như đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.
"Cơ quan chức năng cho rằng việc thống nhất màu sơn sẽ tiện cho việc quản lý. Nhưng thời buổi công nghệ phát triển, chúng ta quản lý taxi nói riêng, vận tải nói chung bằng công nghệ. Không ai đi ra đường để giám sát từng xe theo màu sơn, biển số hoặc tem nhãn dán trên xe như thế nào”, ông Quyền lý giải.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cũng cho biết thêm, hiện nay taxi đang phải chịu tới 17 thủ tục (giấy phép con) ràng buộc, nên việc phát sinh thêm thủ tục sơn màu và phân vùng nữa sẽ gây phiền hà, làm khó cho hãng xe. Đây là việc làm không cần thiết.
Theo nguồn tin từ Tiền Phong, sau khi hoàn thành lấy ý kiến các Sở, ngành và tổ chức, Hiệp hội nghề nghiệp, UBND thành phố Hà Nội cũng đã xin ý kiến Bộ Giao thông Vận tải về Dự thảo quy chế quản lý taxi để chuẩn bị triển khai thực hiện vào năm 2019. Tuy nhiên, trong văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội về nội dung trên, Bộ Giao thông Vận tải đã không đồng tình với việc Hà Nội yêu cầu các xe taxi phải sơn đồng màu.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, taxi không giống xe buýt hay vận tải hành khách công cộng để “đồng phục” về màu. Vì bản chất của taxi là hoạt động theo thị trường và để tồn tại được phải xây dựng thương hiệu, bản sắc, thậm chí màu sơn riêng để khẳng định tên tuổi.
Đồng thời, theo luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư, việc quy định màu sơn xe taxi là không phù hợp.
Từ thực tế này, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng cơ quan quản lý cần áp dụng các quy định của nhà nước để quản taxi có hiệu quả, không nên phát sinh thêm những thủ tục, điều lệ riêng.