Nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử: Kết quả ngoài mong đợi

DTVN 12:07 26/05/2021

Việc đưa nông sản bán trên các sàn thương mại điện tử là một cách hỗ trợ đầu ra cho nông dân, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp

Với chủ đề "Đưa nông sản Việt ra thế giới bằng công nghệ", ông Hoàng Minh Chiến - Phó cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương, cho biết việc chuyển đổi số, đưa các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam lên sàn thương mại điện tử đã được chuẩn bị từ nhiều năm trước. Trong giai đoạn 2020 - 2021, ảnh hưởng của Covid-19 đã thúc đẩy việc chuyển đổi này diễn ra mạnh mẽ hơn.

Ông Chiến lấy ví dụ bằng vải thiều Thanh Hà, Bộ Công thương đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước, như Alibaba, Lazada, Sendo để tiếp cận thị trường. Theo ghi nhận của Cục Xúc tiến Thương mại, tính từ ngày 14/5 đến nay, đã có khoảng ba tấn vải thiều Thanh Hà được tiêu thụ trên Lazada. Con số này không lớn nhưng đây là những trái vải đầu mùa, được bán với giá thành tốt. Riêng sàn thương mại Sendo đã bán hết 6 tấn vải thiều chỉ sau một ngày.

Nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử: Kết quả ngoài mong đợi

Đại diện Bộ Công thương đánh giá việc đưa các sản phẩm nông nghiệp lên thương mại điện tử góp phần không nhỏ vào việc đa dạng hoá thị trường, kênh phân phối, tránh bị phụ thuộc vào một vài thị trường nhất định, giảm rủi ro khi có biến động.

Trong khi đó, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng nhìn nhận, sự vào cuộc nhanh chóng và chuyên nghiệp từ các sàn thương mại điện tử trong hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản đang vào mùa hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là thiết thực với bà con nông dân.

Theo ông Phú: Để đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử vẫn bảo đảm độ tươi, ngon của trái cây, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử kết nối với các chuỗi cung ứng, bảo đảm hệ thống hậu cần như vận chuyển, kho lạnh…

“Việc đưa nông sản bán online sẽ tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ông Vũ Bá Phú nhìn nhận.

Bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam cũng nhận định, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử giúp nâng cao việc tiếp cận thị trường, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số ngành nông nghệp quốc gia. Tuy nhiên, để có thể triển khai một cách bài bản, bền vững trên diện rộng chứ không chỉ là những cuộc "giải cứu" mùa vụ, ngành nông sản Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Theo đại diện Lazada, rào cản đầu tiên đến từ việc những người trực tiếp sản xuất ra các mặt hàng nông nghiệp vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận thông tin. "Nông dân của chúng ta giỏi canh tác, sản xuất, nhưng để có thể đóng gói bao bì sao cho đẹp, chụp hình sao cho hấp dẫn, đúng chuẩn, vẫn là thách thức", bà Tú nhận định.

Khó khăn tiếp theo là việc đảm bảo chất lượng, nguồn hàng ổn định để lôi kéo khách hàng quay lại chứ không chỉ bán trong một chiến dịch ngắn rồi thôi. Việc này phụ thuộc vào quy mô sản xuất, đảm bảo các chuỗi cung ứng phải ổn định thay vì canh tác nhỏ lẻ, manh mún.

Tiếp đến là khâu vận chuyển, bảo quản hàng hoá cũng phải được xử lý tốt, để thực phẩm của khách hàng giữ được chất lượng cao nhất. Hạn chế tối đa những rủi ro về khiếu nại chất lượng sản phẩm.

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/nong-san-viet-len-san-thuong-mai-dien-tu-ket-qua-ngoai-mong-doi-d99483.html

Bạn đang đọc bài viết Nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử: Kết quả ngoài mong đợi tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Thị trường
Tin tức mới nhất