Luôn chủ động trong điều hành giá, kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm

DTVN 11:07 04/06/2021

Diễn biến tăng giá một số hàng hóa thiết yếu năm 2021 đã được dự báo trong kịch bản điều hành giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay từ cuối năm 2020.

Thời gian qua, không chỉ có giá sắt thép, xi măng, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mà một loạt phí dịch vụ vận tải biển, phí hàng không... cũng tăng. Nhiều chuyên gia dự báo rằng nguy cơ lạm phát đang rất gần. Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài chính, những diễn biến tăng giá một số hàng hóa thiết yếu trong năm 2021 đã được Bộ Tài chính và các Bộ, ngành dự báo trong kịch bản điều hành giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay từ cuối năm 2020. Một số mặt hàng có giá tăng do nguyên liệu đầu vào cũng như nhu cầu tăng như thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng (đặc biệt là giá thép), có mặt hàng tăng theo giá thế giới như xăng dầu.

“Đối với mặt hàng do Nhà nước định giá, thời gian vừa qua dịch vụ vận chuyển hàng không có sự điều chỉnh kết cấu chi phí trong giá, tuy nhiên, việc điều chỉnh này phải bảo đảm mức giá vé máy bay vẫn trong khung giá do cơ quan có thẩm quyền nhà nước quy định. Tuy đây là áp lực lớn lên mặt bằng giá trong nước nhưng đây là nhân tố đã được tính toán trong các kịch bản điều hành giá nên cũng đã có giải pháp để chủ động điều hành giá trong nước nhằm kiểm soát lạm phát cả năm 2021 bình quân ở mức dưới 4%”, đại diện Bộ Tài chính khẳng định.

Luôn chủ động trong điều hành giá, kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm 2021. Ảnh minh họa.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì trong những tháng còn lại, CPI mỗi tháng vẫn còn nhiều dư địa (theo tính toán phân tích dự báo của Cục Quản lý giá thì dư địa tăng 0,84%/tháng) để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%. Do vậy, nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá.

“Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới như giá nhiên liệu, phôi thép, thép phế thế giới có thể diễn biến tăng cao đột biến, giá xăng dầu tiếp tục tăng tác động làm giá trong nước tăng theo. Bên cạnh đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại một số địa phương làm ảnh hưởng tâm lý chung, căng thẳng thương mại tại các quốc gia, nhất là Mỹ - Trung Quốc, căng thẳng địa - chính trị tại nhiều vùng lãnh thổ”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, vừa qua, tại văn bản 3025/VPCP-KTTH ngày 08/5/2021, theo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2021, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, chủ động, phối hợp chặt chẽ nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá; tăng cường kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường, kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều hành giá phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều hành kinh tế vĩ mô.

Các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là đối với một số mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp nghỉ lễ, cao điểm du lịch. Chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng để tránh tình trạng khan hiếm, đẩy giá tăng...

Theo Chất lượng Việt Nam Online

Link gốc : http://vietq.vn/luon-chu-dong-trong-dieu-hanh-gia-kiem-soat-lam-phat-nhung-thang-cuoi-nam-s4-d187639.html

Bạn đang đọc bài viết Luôn chủ động trong điều hành giá, kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm tại chuyên mục Thị trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Thị trường
Tin tức mới nhất