Theo thông tin từ Bộ Công thương, trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm, ngành dệt may, da giày đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đi vào thực thi.
Đặc biệt, các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều dấu hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp dệt may hiện đã có đơn hàng xuất khẩu đến quý III năm nay. Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đối với quần áo và giày dép tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa.
|
Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm, ngành dệt may, da giày đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa. |
Chỉ số sản xuất ngành dệt tháng 5 tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2020; ngành sản xuất trang phục lần lượt tăng 2,1% và 12,9%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 8,1% và 21,2%. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất ngành dệt tăng 8,1% so với cùng kỳ; ngành sản xuất trang phục tăng 9,1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12%.
Chỉ số sản xuất ngành da và các sản phẩm liên quan tháng 5 tăng 8,1% so với tháng 4 và tăng 21,2% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất của ngành này tăng 12% so với cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 12,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 60,1%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại ước đạt 8,46 tỷ USD, tăng 26,4% so với cùng kỳ.
Nói về kết quả kinh doanh những tháng đầu năm, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, có sự trái ngược lớn trong hoạt động của doanh nghiệp hiện nay so với năm 2020. Khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vào năm 2020, May 10 bị chặt đứt nguồn cung và cầu, bởi 90% sản phẩm chủ yếu xuất khẩu tới thị trường Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Quý II/2020, May 10 phải ngừng sản xuất do đối tác dừng đơn hàng, bị đọng vốn ở nguyên vật liệu và tiền lương lao động.
“Nhưng năm nay, câu chuyện lại trái ngược khi có quá nhiều đơn hàng và làm không hết. Điều đó cho thấy, diễn biến dịch phức tạp đã làm khó doanh nghiệp trong việc vừa bảo đảm đơn hàng trả nợ đối tác vừa bảo đảm an toàn phòng dịch tại các đơn vị thành viên”, ông Việt nói.
Cũng theo ông Việt, với ngành may mặc, mất 1 ngày công cũng đã rất ảnh hưởng tới tiến độ giao hàng. Nếu doanh nghiệp có trường hợp nhiễm Covid-19 sẽ phải đóng cửa 21 ngày, tức là mất 7% tổng thời gian làm việc cả năm. Do đó, làm tốt công tác phòng, chống dịch được doanh nghiệp xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đồng thời doanh nghiệp buộc phải tính toán mọi tình huống, có giải pháp cụ thể để chèo lái con thuyền vượt qua đại dịch.
Theo Chất lượng Việt Nam Online