Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng vừa phê duyệt Đề án nhập khẩu gần 8,9 triệu hạt, ngọn, lá, cây, củ giống hoa các loại có bản quyền phục vụ sản xuất giai đoạn năm 2021- 2025 trên địa bàn với tổng kinh phí hơn 112 tỷ đồng của doanh nghiệp nhập khẩu và 1 tỷ đồng hỗ trợ của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng.
Cụ thể, toàn tỉnh Lâm Đồng nhập khẩu 23 họ với 66 giống hoa từ 10 quốc gia gồm: Hà Lan, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Israel, Costa Rica, Guatenmala, Mexico, Chi Lê.
Mục tiêu đến năm 2025, diện tích trồng hoa toàn tỉnh Lâm Đồng đạt 10.800 ha, tổng sản lượng 4 tỷ cành và 500 triệu chậu hoa các loại. Trong đó tỷ lệ diện tích sản xuất các giống hoa có bản quyền đạt 35-40%; tỷ lệ hoa xuất khẩu đạt 15-20%.
|
Lâm Đồng nhập khẩu số lượng lớn hoa có bản quyền: 'Tấm hộ chiếu' nâng cao giá trị hoa |
Lâm Đồng là địa phương sản xuất hoa lớn nhất cả nước với diện tích hiện đạt 9.375ha, sản lượng đạt gần 3,7 tỷ cành. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hoa Đà Lạt thời gian qua gặp nhiều hạn chế, tỷ lệ xuất khẩu chỉ đạt 10% tổng sản lượng hoa hằng năm, kim ngạch 48 triệu USD/năm.
Nguyên nhân chủ yếu là giống hoa có bản quyền tại Đà Lạt còn khá ít. Các đối tác nước ngoài đến Đà Lạt làm ăn với các doanh nghiệp hoặc liên kết với nông dân sản xuất hoa tại Đà Lạt thường e ngại hoa không có bản quyền giống hoặc bản quyền bị sao chép.
Các doanh nghiệp trong ngành tại Đà Lạt vài năm nay vẫn truyền nhau câu chuyện làm bài học về bản quyền giống: Một cơ sở xuất khẩu hoa sang Nhật bất ngờ nhận được thông báo tiêu hủy toàn bộ hoa và bị phạt nặng từ đối tác do vô tình dùng phải loại giống sao chép lậu, không có bản quyền để sản xuất hoa xuất khẩu. Mức phạt nặng đến mức khiến doanh nghiệp này phá sản.
Hệ quả xa hơn của tình trạng này là thoái hóa giống. Như câu chuyện của ông Lê Văn Hải, chủ cơ sở sản xuất hoa Hải Hiền ở làng hoa Thái Phiên cùng hàng trăm hộ dân khác phải chống chọi với bệnh sọc thân trên hoa cúc giống từ đầu năm 2019. Những cây hoa tưởng đang sinh trưởng bình thường bỗng ửng vàng ở lá, thân sầu ở giữa rồi tự héo và chết.
Hơn 1.600ha trồng cúc ở Đà Lạt thì đã có hơn 900ha nhiễm bệnh này. Những cơ sở trồng hoa có khi thiệt hại cả tỷ đồng. Chuyên gia khuyên ông Hải và các hộ trồng cúc tại Đà Lạt sử dụng giống khác mới mong hết bệnh, song thói quen canh tác theo kiểu tự phát lâu nay, cộng với việc khó tiếp cận với các nguồn giống có bản quyền khiến việc này hết sức khó khăn.
Vì vậy bản quyền giống được coi là tấm "hộ chiếu" của mỗi cây hoa.
Theo Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo