Những gương sáng thanh niên khởi nghiệp

DTVN 08:53 29/09/2019

Mô hình khởi nghiệp trồng cây thảo dược của chị Vũ Thị Thu (xã Thái Bảo, huyện Gia Bình) đã truyền cảm hứng cho lực lượng trẻ xung kích, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương ở Bắc Ninh.

Những năm gần đây, Bắc Ninh luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào thanh niên khởi nghiệp. Các mô hình khởi nghiệp của thanh niên đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, truyền cảm hứng cho lực lượng trẻ xung kích, vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương. Đang chý ý có mô hình khởi nghiệp trồng cây thảo dược của chị Vũ Thị Thu, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Với tinh thần dám nghĩ dám làm, năm 2014, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Thương mại, đoàn viên Vũ Thị Thu (sinh năm 1992) đã mạnh dạn đưa cây thảo dược về quê trồng. Nắm bắt được xu hướng ngày càng có nhiều người thích sử dụng sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, Thu chọn cây bồ kết là sản phẩm để khởi nghiệp.

Sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi Thu đã sản xuất ra được sản phẩm nước gội đầu bồ kết với tên gọi VietKet và được người tiêu dùng đón nhận. Với số vốn ban đầu ít ỏi, Thu chỉ thuê được 400 m2 đất để ươm cây.

Có vốn liếng tích lũy được từ thành công của sản phẩm dầu gội đầu bồ kết và được hỗ trợ từ các nguồn vốn vay Thu đã mạnh dạn thuê đất của người dân trong làng mở rộng diện tích lên 7.500 m2 để trồng các cây thảo dược khác, như: Hương nhu trắng, hương nhu tía, hương thảo, cỏ mần trầu, tía tô, kinh giới…

Từ các loại cây thảo dược nguyên liệu này, Thu đã sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác, như: Bột tắm thảo dược, nước súc miệng, tinh dầu hương thảo, cao bồ kết, tinh dầu bưởi…

Mô hình khởi nghiệp trồng cây thảo dược của chị Vũ Thị Thu, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh

Sau bốn năm khởi nghiệp, hiện nay cơ sở sản xuất của Thu đã có 19 sản phẩm thảo dược có nguồn gốc tự nhiên cung cấp cho thị trường, lượng khách hàng tương đối ổn định, doanh thu trung bình của cơ sở đạt 200 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thường xuyên cho 10 đến 14 lao động với mức lương từ 4,5 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng.

Ðến năm 2018, biết đến nguồn vốn khởi nghiệp, Thu mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn và được Tỉnh đoàn Bắc Ninh đánh giá là một trong những mô hình khởi nghiệp sáng tạo, tiêu biểu và được hỗ trợ cho vay 1,5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, Thu đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm.

Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1989), ở thôn Rền, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du cũng là một trong những gương mặt trẻ đi đầu trong phong trào khởi nghiệp ở Bắc Ninh. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa, nhận thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm túi zipper (là loại túi ni-lông có khóa bấm, vuốt mép ở miệng túi) của người dân trên địa bàn tỉnh khá lớn, năm 2017, Tiến vay ngân hàng xây dựng nhà xưởng, mua sắm thiết bị máy móc sản xuất các loại túi zipper. Ưu điểm của loại túi này là tiện lợi, dễ sử dụng, được người tiêu dùng ưa chuộng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Quá trình khởi nghiệp của Tiến gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn. Ðầu năm 2019, qua giới thiệu của bạn bè, Tiến được tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp thanh niên của tỉnh Bắc Ninh. Với số tiền vay lên đến một tỷ đồng, lãi suất 5%/năm, Tiến mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, mua thêm máy móc, nâng công suất sản xuất. Ðến nay, xưởng sản xuất túi của Tiến mỗi tháng thu lãi 100 triệu đồng, tạo việc làm cho 14 lao động.

Nhờ nguồn vốn ưu đãi, Tiến đang nghiên cứu, chuyển đổi dần công nghệ để sản xuất các mặt hàng túi zipper thân thiện với môi trường có thời gian phân hủy hai năm."Vốn vay khởi nghiệp có vai trò to lớn, không chỉ hỗ trợ thanh niên về nguồn tài chính cần thiết mà còn là động lực, thể hiện sự khuyến khích, đồng hành của các cấp chính quyền với các hoạt động khởi nghiệp của thanh niên, giúp thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng, thực hiện hoài bão của mình", Tiến cho biết.

Theo thống kê của Tỉnh đoàn Bắc Ninh, đến tháng 7, toàn tỉnh có 32 mô hình thanh niên khởi nghiệp với tổng số tiền được hỗ trợ khoảng hơn 32 tỷ đồng. Các dự án đa dạng, ở tất cả các ngành, nghề, trong đó có tám dự án khởi nghiệp sáng tạo, năm dự án khởi nghiệp lập nghiệp và 19 dự án mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh Bắc Ninh cũng đã xây dựng Quỹ khởi nghiệp đầu tư với tổng số vốn 40 tỷ đồng và thành lập Câu lạc bộ Thanh niên đầu tư khởi nghiệp, "đỡ đầu" cho những ý tưởng khởi nghiệp.

Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Ninh Nguyễn Ðức Sâm, để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Tỉnh đoàn tổ chức các buổi tập huấn nhằm tư vấn, giải đáp thắc mắc chung quanh vấn đề hồ sơ vốn vay khởi nghiệp. Trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã đẩy mạnh cuộc thi "Ý tưởng thanh niên Bắc Ninh khởi nghiệp" nhằm khuyến khích và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, giúp thanh niên có khát vọng khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Trong thời gian tới, để phong trào thanh niên khởi nghiệp ngày càng lan tỏa và đạt kết quả tốt, các cấp chính quyền cần tiếp tục quan tâm và duy trì nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với thanh niên khởi nghiệp, lựa chọn dự án khả thi để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Ðồng thời, tạo điều kiện đẩy mạnh công tác hỗ trợ đăng ký thương hiệu, quảng bá sản phẩm và sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của dự án khởi nghiệp thanh niên.

Thông tin chi tiết được tác giả Phan Thái Sơn viết trên Báo Nhân dân

Bạn đang đọc bài viết Những gương sáng thanh niên khởi nghiệp tại chuyên mục Khởi nghiệp - Làm giàu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Khởi nghiệp - Làm giàu
Tin tức mới nhất