Covid-19 bùng phát, lợi nhuận doanh nghiệp ô tô lao dốc không phanh

DTVN 17:13 23/08/2020

Doanh số hàng loạt mẫu xe, hãng xe suy giảm mạnh do dịch bệnh và do thị trường đóng băng. Việc kích cầu, bán xe từ nay đến cuối năm đang trở thành vấn đề khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp.

Doanh số của hàng loạt hãng xe "lao dốc" không phanh

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm, lượng xe bán ra của nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Lí do là các doanh ghiệp ngành xe hơi từ đầu năm đến nay gặp khó khăn vì dịch covid-19 và rủi ro chính sách từ việc người tiêu dùng xe chờ đợi phí trước bạ được giảm 50%.

Cụ thể, mẫu Vios, thương hiệu xe ăn khách số 1 thị trường và cũng là mẫu xe có doanh số cao nhất của hãng Toyota tháng 5 đã suy giảm doanh số so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1.900 chiếc, giảm 100 chiếc so với tháng 5/2019.

Giảm nhiều nhất là Xpander của Mitsubishi, trong tháng 5 dòng xe này chỉ bán ra được hơn 685 chiếc, giảm hơn 1.400 chiếc so với năm trước.

Innova của Toyota cũng suy giảm mạnh, chỉ ban được 160 chiếc, giảm gần 1.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Mẫu Fortuner cũng vậy, doanh số tháng 5 chỉ đạt 620 chiếc, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước.

Kia Moring cũng suy giảm hơn 500 chiếc so với năm trước, bán ra chỉ đạt hơn 340 chiếc. Cerato, mẫu ăn khách nhất của Kia cũng giảm gần 500 chiếc so với tháng 5/2019, chỉ đạt 468 chiếc bán ra.

Các mẫu của Mazda đều có doanh số giảm, cụ thể Mazda 2 giảm gần 200 chiếc, Mazda giảm hơn 460 chiếc, CX5 giảm hơn 430 chiếc... Honda City giảm 169 chiếc, mẫu Civic giảm 132 chiếc....

Trong khi rất nhiều mẫu xe lắp ráp tụt doanh số, một số mẫu xe nhập tăng doanh số bán ra, cụ thể như CRV tăng từ 1.300 chiếc tháng 5/2019 lên gần 1.600 chiếc trong tháng 5/2020.

Ford Ranger có doanh số bán ra tăng nhẹ khoảng 80 chiếc so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.170 chiếc. Toyota Rush bán ra đạt hơn 320 chiếc, tăng gần 300 chiếc so với cùng kỳ.

So về tổng lượng xe bán ra trong 5 tháng đầu năm giữa xe nhập và xe lắp ráp, có thể thấy hầu hết các mẫu xe đều bị tụt giảm doanh số.

Mẫu Xpander giảm tiêu thụ hơn 1.800 chiếc, chỉ đạt 4.000 chiếc, mẫu Innova giảm 3.000 chiếc, chỉ bán được 1.900 chiếc, Fortuner cũng giảm 1.800 chiếc, chỉ bán được hơn 2.800 chiếc.

Hai mẫu xe nhập suy giảm từ 2.300 đến 2.800 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Các mẫu Kia Morning, Cerato đều giảm từ 2.600 đến 2.800 chiếc, chỉ bán được lần lượt là 1.800 chiếc đến 2.500 chiếc.

Mazda 3, CX5 doanh số bán trong 5 tháng qua chỉ đạt lần lượt là 2.900 chiếc và 2.000 chiếc, giảm 3.300 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Mẫu xe nhập là CRV cũng suy giảm mạnh 3.600 chiếc so với cùng kỳ năm trước, khi chỉ đạt lượng bán ra hơn 3.500 chiếc, trong khi xe lắp ráp trong nước là Honda City chỉ bán được hơn 2.100 chiếc, giảm 2.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Theo một số doanh nghiệp lắp ráp xe hơi, tháng 5/2020 thị trường xe mới ra khỏi trạng thái ngủ đông do tác động bất lợi của đại dịch covid-19, thị trường vẫn khó khăn. Ngay thời điểm như vậy, các doanh nghiệp xe hơi trong nước lại phải đối diện với thách thức từ tâm lý chờ đợi giảm phí trước bạ, khách hàng không xuống tiền mua xe.

Trong tháng 4 và tháng 5, chính sách giảm phí trước bạ 50% đối với khách mua xe hơi trong nước được đồng ý về chủ trương. Tuy nhiên, các quy định về thời gian áp dụng, chủng loại xe áp dụng giảm phí trước bạ chưa được cụ thể hóa, khiến cả người tiêu dùng và doanh nghiệp xe hơi đang phải ở trạng thái "chờ".

Dịch Covid khiến lợi nhuận loạt doanh nghiệp ô tô tụt dốc

Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét của Công ty cổ phần City Auto (City Auto, mã CTF) cho thấy 6 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của CTF đạt hơn 2.151 tỷ đồng, giảm mạnh so với hơn 2.945 tỷ đồng của nửa đầu 2019.

Tương tự, lãi sau thuế của CTF tụt dốc không phanh, giảm từ hơn 48,6 tỷ đồng xuống còn hơn 783,1 triệu đồng. Riêng lãi công ty mẹ giảm từ 42 tỷ đồng xuống còn hơn 1,3 tỷ đồng, tương đương giảm 97% so với cùng kỳ năm trước.

Giải trình về việc này, CTF cho biết, dịch bệnh kéo dài làm lượng bán giảm nên doanh thu hợp nhất giảm gần 794 tỷ đồng, tương đương 26,9%, lợi nhuận giảm hơn 47,8 tỷ đồng, tương đương 88,4%.

Đáng chú ý, trong kỳ, CTF ghi nhận thêm khoản hỗ trợ từ nhà máy Ford Việt Nam, giúp lãi ròng nửa đầu năm của công ty mẹ CTF tăng lên 1,3 tỷ đồng.

Vẫn theo báo cáo, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm dương hơn 212 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm gần 346 tỷ đồng. Ngày 30/6, tổng tài sản của CTF ở mức hơn 1.478 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm, chủ yếu do các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho giảm.

CTF hiện gánh khoản nợ phải trả hơn 946 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm, chủ yếu do dư nợ vay ngắn hạn và phải trả ngắn hạn khác lần lượt giảm 23% và 22%, trong khi phải trả người bán ngắn hạn và người mua trả tiền trước lần lượt tăng 30% và 21%.

Trên sàn chứng khoán, mã CTF có giá 22.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 21/8), tăng 3,7% so phiên liền trước. Tuy vậy, từ đầu năm (1/1-21/8) cổ phiếu CTF giảm 5,58%, tức mỗi cổ phiếu mất 1.300 đồng.

City Auto là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần phân phối xe mang thương hiệu Ford và Hyundai tại thị trường Việt Nam. Đến cuối năm 2019, CTF có tổng tài sản hơn 1.546 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm gần nhất đạt lần lượt 6.479 tỷ và 43,9 tỷ đồng.

Tin không vui cũng đến với “ông lớn” chuyên phân phối xe Mercedes là Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, mã HAX) khi lợi nhuận sau thuế quý 2 của HAX chỉ đạt 8 tỷ đồng, giảm 68,5% so cùng kỳ 2019.

Doanh thu thuần trong kỳ của HAX cũng chỉ đạt 1.089 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi giá vốn hàng bán giảm ít hơn mức giảm của doanh thu nên lợi nhuận gộp đạt 44,6 tỷ đồng, giảm 19%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, HAX đạt 2010 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với cùng kỳ, lãi khác giảm mạnh nên lợi nhuận sau thuế đạt 11 tỷ đồng, giảm 62,3% so với nửa đầu năm trước.

Theo HAX, ngành kinh doanh ô tô trong nước đang trải qua một giai đoạn khó khăn khi đại dịch COVID – 19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến tất cả các ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy con số lợi nhuận so với năm ngoái không cao nhưng đặt trong bối cảnh kinh tế của năm nay, thành tích này ghi nhận nỗ lực không ngừng của đội ngũ lãnh đạo Haxaco.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Covid-19 bùng phát, lợi nhuận doanh nghiệp ô tô lao dốc không phanh tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh
Những lùm xùm, tranh chấp phát sinh từ việc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng và Lắp máy điện nước - Comael cho các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp bên ngoài vào thuê mặt bằng, nhà, xưởng để thu tiền.
Tin tức mới nhất