Chuyển hướng sang lĩnh vực năng lượng, cổ phiếu PC1 lập đỉnh bất chấp Covid-19

DTVN 15:55 22/09/2020

Ngay sau khi lao dốc PC1 đã hồi phục mạnh mẽ và kết phiên giao dịch 21/9 lên 21.500 đồng/cp, tăng hơn 2 lần so với mức đáy được thiết lập cách đây vài tháng và cao hơn 23% so với thời điểm đầu năm

Ngay sau khi lao dốc PC1 đã hồi phục mạnh mẽ

Từng được kỳ vọng nhiều khi lên sàn chứng khoán vào năm 2016, tuy nhiên biến động cổ phiếu PC1 của CTCP Xây lắp điện 1 không mấy tích cực khi hầu hết thời gian trong xu hướng giảm giá. Với diễn biến kém tích cực, nhiều quỹ ngoại như Vietnam Holdings, Dragon Capital đã thoái vốn khỏi PC1.

Tột cùng thất vọng với diễn biến PC1 vào giai đoạn cuối tháng 3 vừa qua khi cổ phiếu có thời điểm chạm mốc 10.000 đồng, mất khoảng 70% so với đầu năm và cũng là mức giá thấp nhất từ khi lên sàn chứng khoán.

Tuy vậy, ngay sau đó PC1 đã hồi phục mạnh mẽ và kết phiên giao dịch 21/9 lên 21.500 đồng/cp, tăng hơn 2 lần so với mức đáy được thiết lập cách đây vài tháng và cao hơn 23% so với thời điểm đầu năm, đây cũng là mức giá cao nhất trong 1 năm qua.

Báo cáo KQKD 6 tháng cho biết PC1 chỉ đạt 217 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 8% so với đầu năm. Vậy điều gì đã giúp PC1 bứt phá mạnh mẽ dù KQKD bán niên không thực sự ủng hộ?

Nhờ chuyển hướng sang lĩnh vực năng lượng

Theo dự báo từ nhiều trung tâm thủy văn trên Thế giới, nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương sẽ lạnh hơn và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 với xác suất 60%.

Thông thường, hiện tượng La Nina sẽ kéo theo những biến đổi về thời tiết, khí hậu như mưa bão nhiều, lạnh hơn mọi năm. Đây được coi là điểm tích cực cho các doanh nghiệp thủy điện nói chung và PC1 nói riêng trong nửa cuối năm 2020 và 2021 sau khi trải qua giai đoạn khô hạn với hiện tượng El Nino trong 2 năm trở lại đây.

Trong tháng 7, PC1 đã đưa vào vận hành nhà máy thủy điện Bảo Lạc B, Sông Nhiệm 4 với tổng công suất 24MW. Trước đó, công ty đã đưa vào hoạt động thủy điện Mông Ân với công suất 30 MW từ đầu năm. Theo ước tính của CTCK VCBS, 3 nhà máy này sẽ đem lại trung bình 170 – 200 triệu kWh với doanh thu hàng năm tăng thêm 230 – 250 tỷ đồng (tương đường 40% – 50% doanh thu phát điện hiện tại), đưa mảng phát điện thành mảng đóng góp trong lợi nhuận gộp lớn nhất trong tương lai từ 35% lên tới 60% năm 2021.

Cũng theo VCBS, các nhà máy thủy điện của PC1 đều là nhà máy nhỏ hoặc các nhà máy bậc thang trên sông với tổng công suất nhỏ hơn 60MW để hưởng biểu giá chi phí tránh được với giá phát điện trong giờ cao điểm mùa khô lên tới 2.658 đồng/kWh, điều này giúp công ty đem về biên lợi nhuận gộp rất hấp dẫn lên tới hơn 60%.

Bên cạnh các dự án thủy điện, PC1 cũng đẩy mạnh việc đầu tư vào các dự án điện gió để hưởng giá ưu đãi. Tại ĐHCĐ vừa qua, PC1 đã điều chỉnh lùi kế hoạch đầu tư nhà máy Thủy điện Bảo Lạc A, thay vào đó tập trung vào các dự án điện gió Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên tại Quảng Trị với tổng giá trị đầu tư hơn 5.400 tỷ đồng. PC1 đã bán 40% cổ phần tại các dự án điện gió này cho Renova (Nhật Bản) để cùng phát triển dự án.

Theo chia sẻ của lãnh đạo PC1, doanh thu của 3 dự án điện gió khoảng 1.000 tỷ mỗi năm, biên lợi nhuận tốt hơn dự án thủy điện.

Về giá bán điện, theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTG ngày 10/09/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các dự án điện gió trên đất liền vận hành thương mại trước ngày 1/11/2020 sẽ được hưởng mức giá bán ưu đãi là 8,5 cents/kWh trong vòng 20 năm. Theo đánh giá của CTCK VCBS, dự án có thể hoàn vốn không chiết khấu trong vòng 9 - 10 năm sau khi đưa vào vận hành.

Cũng theo VCBS, mặc dù doanh thu phát điện của PC1 hiện chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu và mới bắt đầu phát triển từ năm 2017 nhưng chiếm tới khoảng 40% lợi nhuận gộp do biên LNG cao vượt trội với khoảng 60% so với 7% - 10% của các mảng khác. Dự kiến trong tương lai, mảng phát điện sẽ chiếm tới 60% – 70% LNG làm thay đổi định vị của PC1 từ một công ty về xây lắp điện trở thành một công ty phát điện với tổng công suất lên tới hơn 300 MW, chưa tính tới các dự án tiếp tục triển khai sau các dự án điện gió. Việc thay đổi định vị này cũng sẽ giúp công ty được định giá cao hơn.

Trong chiến lược 5 năm, PC1 lên kế hoạch doanh thu cán mốc 12.243 tỷ đồng doanh thu và 1.374 tỷ lợi nhuận sau thuế vào năm 2025. Trong đó, mảng năng lượng sẽ đóng góp khoảng 25% doanh thu nhưng lợi nhuận có thể lên đến 50-60%.

Dự án PCC1 Thanh Xuân đã hoàn thành công tác bán hàng với hầu hết các căn hộ đã được bán và sẽ hạch toán hết doanh thu trong vòng năm 2020. Theo ước tính của VCBS, dự án có thể đem lại doanh thu khoảng 896 – 920 tỷ đồng và LNST khoảng 180 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2020, PC1 đã bàn giao khoảng 63% lượng căn hộ và hạch toán doanh thu 532 tỷ đồng và 162 tỷ đồng lợi nhuận gộp.

Ngoài ra, PC1 đang thực hiện làm móng và hoàn thiện thủ tục pháp lý cho dự án PCC1 Vĩnh Hưng để có thể triển khai bán hàng từ năm 2021 và hoàn thành năm 2022. Dự án Bắc Từ Liêm cũng sẽ là dự án gối đầu sau khi thực hiện dự án Vĩnh Hưng.

VCBS đánh giá bước đi trong lĩnh vực đầu tư BĐS của PC1 khá chắc chắn khi luôn tập trung nguồn lực làm cho tốt một dự án rồi tiếp tục làm dự án khác khiến cho PC1 ít phải đầu tư vốn vào làm BĐS – mảng hoạt động kinh doanh không thường xuyên.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ

Bạn đang đọc bài viết Chuyển hướng sang lĩnh vực năng lượng, cổ phiếu PC1 lập đỉnh bất chấp Covid-19 tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh
Tin tức mới nhất