Với những kết quả phát triển ấn tượng sau hơn 30 năm đổi mới và đặc biệt trong thời gian gần đây, nếu có những giải pháp thiết thực, hiệu quả, táo bạo, khát vọng thịnh vượng vào năm 2035 không phải là quá xa vời và con đường hiện thực hóa khát vọng này đang dần được định hình rõ ràng hơn.
Từ nuôi dưỡng lan tỏa khát vọng
Đặt ra mục tiêu rõ ràng để đi tới một Việt Nam thịnh vượng Từ nuôi dưỡng, lan tỏa khát vọng Năm 1993, Hội nghị CG, tiền thân của VRDF, được tổ chức lần đầu tiên tại Paris. Việt Nam khi đó còn là một nước nghèo và nguồn ODA hàng năm được cộng đồng tài trợ cam kết qua mỗi kỳ CG thực sự có ý nghĩa, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến ngày hôm nay, khi mà VRDF 2019 được tổ chức, diện mạo Việt Nam đã rất khác. Từ một nước nhận viện trợ, đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, năng động hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, đồng thời cũng là quốc gia sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và tích cực giải quyết những vấn đề toàn cầu. Kinh tế nước ta đã duy trì được tốc độ phát triển ở mức khá trong một thời gian dài, bình quân giai đoạn 1989 - 2018 tốc độ tăng GDP khoảng 6,8%, mức cao trong khu vực ASEAN. Quy mô nền kinh tế tăng 39 lần, từ 6,3 tỷ USD năm 1989 đạt 245 tỷ USD vào năm 2018. GDP bình quân đầu người tăng 27,4 lần trong giai đoạn này, năm 2018 đạt mức 2.587 USD...
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng với niềm tin khát vọng vào một quốc gia thịnh vượng |
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế uy tín trên thế giới đều đánh giá sự phát triển của Việt Nam phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Giáo sư Michael Porter của Đại học Harvard phân tích rằng, giai đoạn 40 năm từ 1975 đến 2016 được coi là thời kì tăng trưởng thịnh vượng dài hạn của Việt Nam. “Với các thành tựu được thế giới ghi nhận, Việt Nam không chỉ ở vị thế học hỏi mà Việt Nam hiện ở vị thế chia sẻ kinh nghiệm phát triển. Đó là sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam với thế giới, từ câu chuyện làm như thế nào để phát triển bao trùm, cân bằng và hài hòa, mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận ngang nhau, được hưởng những thành quả phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Lúc này, chúng ta càng có cơ sở để khát vọng về một đất nước thịnh vượng trong một thời gian không quá xa. Năm 2016, Báo cáo “Việt Nam 2035” lần đầu tiên phác ra một Việt Nam thịnh vượng vào năm 2035, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Và trong những năm qua, khát vọng về sự thịnh vượng của đất nước liên tục được lan tỏa, truyền cảm hứng đến từng người dân… Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam có khát vọng mãnh liệt trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng. “Khát vọng của mỗi người Việt Nam sẽ hòa mình vào khát vọng lớn hơn của dân tộc chúng ta về một đất nước thịnh vượng, người dân hạnh phúc. Năm 2045, thời điểm tròn 100 năm Quốc khánh, mục tiêu Việt Nam sẽ là một nước phát triển, với thu nhập người dân hơn 18.000 USD”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh. Trên nhiều diễn đàn, người đứng đầu ngành KH&ĐT - cơ quan tham mưu hoạch định chính sách phát triển của đất nước, cũng liên tục truyền đi sự khát khao về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, với niềm tin “Không gì là không thể!” và khát vọng phát triển đất nước phải là khát vọng lớn nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam không còn là một đất nước nhỏ bé mà là một quốc gia đã lớn mạnh, có thể chủ động để quyết định tương lai của mình. “Chúng ta sẽ định hình cho tương lai của mình và thế hệ mai sau: một đất nước thịnh vượng. Một đất nước đồng tâm hiệp lực hướng đến sự hùng mạnh!", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin rằng ngọn lửa khát vọng sẽ thắp sáng cho tư duy, hành động, đặt ra mục tiêu rõ ràng cho hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong trung, dài hạn, để đi tới mục tiêu thịnh vượng.
Đến hành động và định hình hướng đi
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước, vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, cần phải có sự đột phá trong chính sách. VRDF 2019 là cơ hội tốt để Chính phủ lắng nghe các ý kiến, giúp tìm ra con đường tốt nhất cho mục tiêu trở thành nước thịnh vượng, đặc biệt là 3 trọng tâm chính: hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập; đổi mới sáng tạo để vượt qua bẫy thu nhập trung bình; ưu tiên và hành động vì một Việt Nam thịnh vượng.
Thời điểm này cũng đúng lúc Việt Nam chuẩn bị kết thúc Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm lần thứ ba của mình để bước sang một thập kỷ, kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội phát triển mới đi liền với nhiều thách thức lớn. Kết quả đầu ra từ Diễn đàn sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để đưa vào những văn kiện quan trọng định hình chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
Tại VRDF 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh, động lực tăng trưởng nền móng của nền kinh tế Việt Nam chính là cải cách thể chế kết hợp với tập trung nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua các chính sách, giải pháp phù hợp, hữu hiệu, nhất là thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, phát triển kinh tế tư nhân trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; phát triển nguồn nhân lực, đây là yếu tố quyết định sự thành công và hiệu quả của tất cả những động lực khác…
Chia sẻ trước thềm VRDF 2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bối cảnh mới chúng ta cần có cách nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về các xu hướng lớn toàn cầu trong dài hạn và phải tính được tác động tới Việt Nam, mặc dù càng ngày càng khó dự báo. “Rất nhiều nghiên cứu cho rằng nền kinh tế thế giới giảm tốc trong 10 năm tới. Đây là xu thế không đảo ngược được vì mang tính chu kỳ lịch sử… Tuy nhiên, không phải cứ giảm tốc là bất lợi. Việt Nam nếu có ứng xử khôn khéo sẽ ít chịu tác động từ sự giảm tốc. Và chính trong giai đoạn này, đòi hỏi Việt Nam cần tranh thủ cơ hội, cần cơ cấu lại và cải cách mạnh hơn”, vị tư lệnh ngành KH&ĐT nhận định.
Bộ trưởng dẫn lại chia sẻ của GS. Michael Porter, một trong 50 “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới, với Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng về cách tiếp cận mới về năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo GS. Michael Porter, năng lực cạnh tranh cần được xem xét trên giác độ mới, không phải là lương thấp, không phải là giảm chi phí dựa trên lao động rẻ, không chỉ là tạo ra nhiều việc làm trên diện rộng. Năng lực cạnh tranh cần nhìn trên 2 góc độ: kinh tế vĩ mô, đó là sự minh bạch của chính sách thuế khóa và tiền tệ, thể chế công, phát triển con người và xã hội; về vi mô, đó là doanh nghiệp và môi trường kinh doanh xung quanh doanh nghiệp là cốt lõi. Trong cạnh tranh, không nên chỉ coi trọng kinh tế, mà còn cần hài hòa về vấn đề xã hội. Đây được coi là 2 cán cân cần được cân bằng cùng có lợi, không chỉ nghiêng về một phía.
Bộ trưởng cũng chia sẻ góp ý từ Đại học Harvard cho rằng, ở thời điểm này, Việt Nam nên có chính sách rõ ràng thu hút nhân lực chất lượng cao trở về nước, bởi các em sinh viên giỏi là mỏ vàng của Việt Nam. Mặt khác, theo dữ liệu của UNDP, Việt Nam chỉ dành 0,19% GDP trong khi Trung Quốc là 2% GDP, Nhật 3%, Mỹ hơn 3% cho nghiên cứu phát triển. Dù đã mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo, đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của CMCN 4.0, nhưng Chính phủ cần nhiều nỗ lực hơn nữa về đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động của Việt Nam. “Chúng ta có chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới hay không?”, câu hỏi mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt ra cũng là gợi mở cho nhiều chính sách táo bạo, đột phá cần thực hiện để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong bối cảnh CMCN 4.0.
Trong đó, Bộ KH&ĐT đang gấp rút, khẩn trương hoàn thiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một nhiệm vụ mang tầm chiến lược, vạch ra khuôn khổ cho các ngành, lĩnh vực, các địa phương có sơ sở vững chắc tận dụng cơ hội do cuộc cách mạng này đem lại, phát triển nhanh, bền vững ngành, lĩnh vực, địa phương mình trong một thể thống nhất, góp phần phát triển đất nước ngày càng cường thịnh.
Đau đáu trước những số liệu của UNDP rằng Việt Nam sẽ là một trong 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, có khả năng mất 2,5% đến 4% GDP, Bộ trưởng nói: “Bản thân tôi và mỗi chúng ta không thể ngồi yên để chứng kiến điều đó”. Người đứng đầu ngành KH&ĐT từng nêu quan điểm, ứng phó với biến đổi khí hậu là không đơn giản, đòi hỏi không chỉ giải pháp phù hợp, mà còn cần phải có nguồn lực rất lớn. Việc làm đầu tiên là phải có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội mang tầm chiến lược, được lập theo phương pháp tích hợp, thích ứng với biến đối khí hậu; quy hoạch phải được thực hiện nghiêm túc; không phá vỡ một cách tùy tiện.
Tựu chung, người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho biết, nhiều khuyến nghị cho Việt Nam gửi đến trước Diễn đàn tập trung vào việc Việt Nam cần có chiến lược toàn diện hơn so với các cách thức truyền thống. Cần phải chuyển đổi nền kinh tế sang đổi mới sáng tạo, chú trọng vốn con người, phát triển hạ tầng, sinh kế cho người dân, cải thiện năng suất, phát triển bao trùm, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển.
Nguồn: Đấu thầu