Bi kịch của các doanh nghiệp vận tải mùa Covid-19

DOANH NHÂN VIỆT NAM 10:18 17/07/2021

Nhiều doanh nghiệp trong nghành vận tải vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do chưa thể hoạt động trở lại.

Nguy cơ nợ chồng nợ

Ngày 18/6, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định huyển sang thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính Phủ, sau hơn nhiều tuẫn lễ thực hiện chỉ thị 16/CT-TTg. Theo đó, hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa ở Hà Tĩnh cũng được hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo quy định phòng dịch.

Tuy nhiên tình hình dịch bệnh phức tạp đã khiến lượng khách tham gia dịch vụ công cộng giảm sút 80 - 95% khiến các doanh nghiệp vận tải ở Hà Tĩnh lao đao. Một số doanh nghiệp cố gắng hoạt động cầm chừng, một số chấp nhận tiếp tục tạm nghỉ để “nghe ngóng ” tình hình dịch bệnh.

Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh hiện có gần 100 xe buýt chạy 6 tuyến đưa hành khách từ TP Hà Tĩnh đi các huyện trên địa bàn Hà Tĩnh và TP Vinh (Nghệ An) cùng 7 xe giường nằm chất lượng cao chạy tuyến cố định Hà Tĩnh - Hà Nội và ngược lại.

Ông Lê Đức Thọ- Giám đốc Công ty CP Vận tải Thọ Lam (Hương Sơn – Hà Tĩnh) cho biết: “Công ty chúng tôi có 60 chiếc xe, 200 công nhân, trong đó 100 công nhân nộp bảo hiểm, từ khi xảy ra Covid-19 đến nay doanh nghiệp chưa được hỗ trợ gì, lãi suất ngân hàng vẫn bình thường, tiền vay mua xe, xe không chạy được, hết quý 1 chúng tôi vẫn xoay xở để trải được nhưng từ nay trở đi không biết lấy đâu mà trả, xe chạy được thì mới có tiền trả lãi, nhưng bây giờ đóng băng như thế này thì nợ chồng nợ”.

Ông Lê Đức Thọ- Giám đốc Công ty CP Vận tải Thọ Lam bên những chiếc xe nằm "trốn dịch"

“Công nhân của chúng tôi có người làm đến 10 năm, có người 6-7 năm, cũng có người 1-2 tháng, nên việc trả lương cho công nhân cực kỳ khó khăn, vừa rồi chúng tôi đã trả lương hết tháng 6 đối với hình thức hợp đồng lâu dài còn thời vụ thì theo thoả thuận” ông Thọ cho biết thêm.

Nói về hướng đi sắp tới ông Thọ đề xuất “Chúng tôi đề xuất tỉnh nhà nên có hướng gì đó để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nên có hướng đi cụ thể tháo gỡ cho doanh nghiệp, nên tạo điều kiện về lãi suất ngân hàng, nếu có thể thì có hỗ trợ việc vay tiền không lãi để trả lương cho công nhân”.

Đến thời điểm này Hà Tĩnh đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là khi tình hình dịch vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Ngoài lượng khách giảm sút, để đảm bảo an toàn công ty chỉ hoạt động một cách cầm chừng.

Ông Trần Văn Sỹ, Giám đốc Cty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh cho hay: “Công ty của chúng tôi có quy mô hơn 120 cái xe, 400 công nhân, thời điểm hiện tại do dịch Covid-19 nên việc kinh doanh bị tê liệt dẫn đến khó khăn chồng chất khó khăn, người lao động không có công ăn việc làm, doanh nghiệp thì lao đao về kinh tế khi nợ gốc, nợ lãi ngân hàng, cộng với việc nhiên liệu lên vật tư đầu vào lên do liên quan đến nhập khẩu”.

“Hiện tại doanh nghiệp chưa được nhận hỗ trợ gì, chúng tôi mong muốn nhà nước có chính sách giúp đỡ doanh nghiệp qua thời điểm này như về lãi ngân hàng, có một số gói kích cầu, đối với người lao động, doanh nghiệp thì nên có chính sách thủ tục thực tế”.

Ông Sỹ kiến nghị: “Dịch gần 2 năm rồi nên khó khăn về đời xe, tuổi thọ phương tiện.Vì vậy, đối với các doanh nghiệp vận tải nên cho lùi lại thời gian lắp đặt Camera, phí đường bộ, về đời xe ví dụ quy định 10 năm nhưng mất 2 năm còn 8 năm, đáng lẽ còn kinh doanh được 5 năm nhưng bây giờ thì còn 3, nên có chính sách giãn đời xe cho các doanh nghiệp vận tải”.

Nhiều nhà xe ngưng hoạt động vì covid-19

Đối với Công ty TNHH MTV Mai Linh Hà Tĩnh đợt dịch lần này như một cú “knock - out” khiến công ty rơi vào cảnh lao đao. Ông Lê Thế Hiền, Phó giám đốc công ty TNHH MTV Mai Linh Hà Tĩnh cho biết: “Do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên người dân hạn chế di chuyển và e ngại sử dụng các phương tiện vận tải công cộng. Các doanh nghiệp vận tải hành khách, taxi doanh thu sụt giảm do hoạt động bị “đóng băng”. Hãng có hơn 200 xe, nhưng lượng khách đặt xe quá ít, hiện chỉ có khoảng 30% xe hoạt động, doanh thu chỉ đạt 9% so với trước”.

Theo ông Hiền, trước đây, mỗi ngày một chiếc xe hoạt động sẽ thu về từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng, tuy nhên, những ngày qua mỗi xe chỉ đạt từ 80.000 - 90.000 đồng/ngày. Lượng cuộc gọi đến tổng đài cũng giảm từ 1.500 - 2.000 cuộc xuống còn 50 - 70 cuộc gọi/ngày. “Lượng khách gọi đặt xe giảm sút nghiêm trọng, số lượng sử dụng xe từ các cuộc gọi cũng giảm sút hơn. Có nhiều trường hợp gọi đặt xe nhưng khi xe đến đón lại không đi nữa. Với mức hoạt động như thế thì số tiền thu về không đủ để chi điện nước, xăng xe chứ chưa tính đến các khoản chi phí khác như lương, bảo hiểm...”, ông Hiền nói.

Lượng hành khách giảm đến 80 - 95%, dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, đời sống người lao động lao đao, không có thu nhập. Các doanh nghiệp vận tải đề xuất tỉnh và cơ quan thuế xem xét miễn hoặc giảm thuế trong giai đoạn này để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong cơn “bão” dịch COVID-19.

“Ngoài việc miễn, giảm thuế, chúng tôi cũng mong muốn ngành chức năng giảm phí đường bộ, ngân hàng hỗ trợ giãn thời gian thu lãi hoặc có phương án giảm lãi suất trong giai đoạn khó khăn này. Đối với ngành bảo hiểm xã hội, đề nghị được giãn thời gian đóng bảo hiểm và không tính lãi nộp chậm”, ông Hiền chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp vận tải mong muốn UBND tỉnh cần có những tháo gỡ sớm giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này


Hà Tĩnh là một trong những tỉnh có nhiều nhà xe chuyên vận tải hành khách liên tỉnh, trong số đó phải kể đến như nhà xe Mận Vũ (Thị xã Kỳ Anh), Nhà xe Hiếu Trung, Dũng Minh, Sơn Hà…Đa số đều có điểm đến là Hà Nội, Sài Gòn nhưng đến nay, những địa phương nói trên đều đang có diễn biến dịch hết sức phức tạp nên việc nhiều nhà xe phải tạm ngưng hoạt động. Khó khăn đang chồng chất, và với nhiều chủ xe thì mong muốn UBND tỉnh sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cả trước mắt và lâu dài.

Chính phủ vào cuộc

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho hay, thời gian qua lượng xe khách hoạt động chỉ đạt 40-50% so với trước dịch, vận tải taxi còn thảm hơn với 20%. Trong khi một số chi phí cho xe hoạt động tăng, lượng khách được phép chở bị khống chế dưới 50%, các đơn vị vận tải khách đều đang chịu thua lỗ nặng nề. Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần nghiên cứu quy định cụ thể cho những lĩnh vực chịu tác động nặng nề, mức hỗ trợ cần cao hơn, các điều kiện cũng cần đơn giản hơn.

Theo ông Quyền, một số chính sách đã ban hành thời gian qua nhưng các doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Đơn cử, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 112/2020 về giảm phí sử dụng đường bộ nhưng các nhà đầu tư BOT không thực hiện, vì cho rằng nếu giảm phí thì Bộ Tài chính cần có các cơ chế chính sách đối với nhà đầu tư...

Cũng theo ông Quyền, Chính phủ cũng cần có quy định giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe ôtô về 0% trong cả năm 2021. Lý do hiện nay các doanh nghiệp vận tải ôtô hầu hết đang thua lỗ trầm trọng. Các ngân hàng tiếp tục cho vay các gói chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt để các đơn vị vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh. Chính phủ cũng cần cho phép tăng thời gian của chu kỳ kiểm định xe kinh doanh taxi từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ lần I và từ 6 tháng lên 12 tháng đối với chu kỳ lần II, vì từ năm 2020 đến nay xe taxi hoạt động trong ngày chỉ bằng 20% so với trước dịch.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đưa ra nhận định: Hiện nay mỗi chuyến xe doanh nghiệp vận tải đang phải chịu rất nhiều chi phí. Tất cả đều tác động lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó đẩy giá cước vận chuyển lên cao. Doanh thu mỗi chuyến hàng, chuyến xe hiện chỉ đủ trang trải chi phí vận hành, nhân lực… dẫn đến các đơn vị kinh doanh vận tải ngày càng gặp nhiều khó khăn.

“Tuy nhiên đó chưa phải là nỗi lo lớn của ngành vận tải, mà điều đáng lo là khi vận tải phục hồi, sẽ không có đủ nhân lực để tham gia sản xuất”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng miền.

Thực hiện chỉ đạo này, Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh như, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngành nghề bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31/12/2021 và không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến ngày 31/12/2021.

Bộ Giao thông Vận tải đang sửa đổi Thông tư số 70/2015 theo hướng sẽ điều chỉnh chu kỳ kiểm định của ôtô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải, được điều chỉnh từ 18 tháng lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và từ 6 lên 12 tháng đối với chu kỳ định kỳ.

Mặt khác, cơ quan này cũng đã có kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm xử phạt doanh nghiệp vận tải không lắp camera giám sát do tác động của dịch COVID-19; Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục cho phép về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách được giảm 30%, xe ôtô tải kinh doanh vận tải được giảm 10% đến hết ngày 31/12/2021…

Trước tình cảnh khó khăn của doanh nghiệp vận tải, Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính trong việc rà soát, kiểm tra về giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển; giá cước tàu biển và phản ánh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa để có các giải pháp, kiến nghị, đề xuất hướng xử lý phù hợp…

Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/doanh-nghiep-van-tai-hoat-dong-cam-chung-vi-dich-covid-35723.html

Bạn đang đọc bài viết Bi kịch của các doanh nghiệp vận tải mùa Covid-19 tại chuyên mục Kinh doanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Kinh doanh
Tin tức mới nhất