|
Tại tòa, phía nguyên đơn đã đề nghị HĐXX cho lắp máy chiếu trình chiếu các hình ảnh, video clip thể hiện mình bị nhiều người mặc sắc phục và thường phục khống chế, bắt giữ, nhưng trong đó không thể hiện việc nguyên đơn dùng vũ lực chống lại.
Từ các hình ảnh công bố, nguyên đơn cho rằng, Công an quận Bắc Từ Liêm đã bố trí nhiều cán bộ quay phim, chụp ảnh nên đề nghị cung cấp các bằng chứng để chứng minh việc mình đã dùng vũ lực chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng, các tình tiết đã có trong hồ sơ nên không trả lời gì thêm. Trong khi đó, nhiều nhân chứng được triệu tập tại tòa cho biết chỉ thấy nguyên đơn Nhật Anh bị bắt giữ nhưng không chứng kiến việc nguyên đơn dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ như thế nào?
Tại phiên tòa, luật sư Phan Thị Kim Tiến (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn, đưa ra nhiều luận cứ cho rằng, Công an quận Bắc Từ Liêm đã áp dụng luật với thân chủ của mình trái quy trình, quy định.
Cụ thể, nguyên đơn Nghiêm Nhật Anh bị bắt giữ trong trường hợp phạm tội quả tang nhưng chưa được xử lý theo quy định luật Tố tụng hình sự. Trong khi đó, nguyên đơn Nhật Anh bị xử lý vi phạm hành chính nhưng không có biên bản xử phạt hành chính, là trái với luật Xử lý vi phạm hành chính, khi các trường hợp xử phạt từ 500.000 đồng trở lên phải có biên bản xử phạt hành chính.
Luật sư Phan Kim Tiến viện dẫn điều 63 luật Xử lý vi phạm hành chính hợp nhất năm 2017 cho biết, đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng không đến mức xử lý hình sự mà xử lý hành chính, thì cơ quan tố tụng phải chuyển hồ sơ vụ việc và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, nguyên đơn Nhật Anh khởi kiện là có căn cứ.