Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại huyện, quận, thị xã, thành phố (cấp huyện) của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai trên cơ sở sử dụng đội ngũ công chức, viên chức hiện có, không làm tăng biên chế.
Phạm vi thí điểm: 70 đơn vị hành chính cấp huyện đã thí điểm theo Quyết định 47/2018/QĐ-TTg ngày 26/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai.
Nghị quyết nêu rõ, công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về ATTP; được trang bị trang phục riêng và được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.
Kinh phí cho hoạt động bảo đảm ATTP, hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước. UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ưu tiên bố trí ngân sách theo phân cấp cho hoạt động bảo đảm ATTP, hoạt động thanh tra chuyên ngành ATTP cấp huyện để khen thưởng, đầu tư trang thiết bị, tăng cường trang thiết bị kỹ thuật và công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn và các nhiệm vụ quản lý Nhà nước khác.
Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại các địa phương nêu trên, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV/2021.
Sau thời gian thí điểm, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm tổ chức tổng kết, đánh giá, báo cáo Chính phủ.
Liên quan tới vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, trước đó, Cục ATTP cũng đã yêu cầu các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội cần chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền đảm ATTP trong dịp Tết Trung thu, lồng ghép với tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19.
Nội dung tuyên truyền cho các đối tượng như sau: Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19 trong sản xuất như nguyên tắc 3 tại chỗ, một cung đường hai điểm đến...
Đối với người tiêu dùng cần hướng dẫn việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; chỉ mua, sử dụng thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định của Bộ Y tế. Lưu ý kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và hạn sử dụng khi mua sản phẩm thực phẩm qua hình thức trực tuyến.
Đối với các tỉnh/thành phố không trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 cần tăng cường tuyên truyền bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh và lưu thông sản phẩm thực phẩm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.