Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhiều người thu nhập sụt giảm trong khi các khoản chi tiêu vẫn phải đầy đủ để đáp ứng nhu cầu cho cuộc sống gia đình. Vậy nên không ít người lao động phải mang tài sản đi cầm cố để xoay xở, chống chọi qua đại dịch. Thế nhưng, mang danh lãi suất thấp nhưng thực tế số tiền trả ở mức "cắt cổ", nhiều cửa hàng cho vay cầm đồ đang dồn người vay vào bước đường cùng.
Phản ánh đến Chất lượng Việt Nam, nhiều độc giả cho biết, T99 mang danh là Hệ thống cầm đồ thân thiện cho vay lãi suất tối đa chỉ 11,88%/năm. Thế nhưng, hệ thống này đã nghĩ ra đủ loại phí khiến các khoản phí dịch vụ mà khách hàng vay lên cao không khác gì cho vay nặng lãi.
|
Trước phản ánh của người tiêu dùng, phóng viên đã đóng vai người đi cầm cố tài sản đến Hệ thống cầm đồ T99 thì nhận được tư vấn lãi suất cho vay rất hợp lý, chỉ 0,99%/tháng (11,88%/năm). Thế nhưng, sau khi cầm cố tài sản, người tiêu dùng sẽ phải trả thêm các loại phí.
Chẳng hạn, khi phóng viên muốn cầm cố xe máy SH đời 2019 với 50 triệu đồng/năm thì ngoài mức lãi suất kể trên phải trả thêm phí quản lý tài sản và phí bảo hiểm, tính ra mỗi tháng hơn 2,5 triệu đồng. Sau 1 năm phóng viên phải trả 80,4 triệu, chưa kể lãi suất 11,88%/năm.
Như vậy, khách hàng sẽ phải chịu chi phí đội lên của 50 triệu đồng cầm cố xe trong thời gian 12 tháng ngoài lãi suất theo quy định là 30,4 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, nếu khách hàng nộp phí chậm hàng tháng sẽ bị thu lãi nộp chậm tính theo số tiền cụ thể cho mỗi tháng.
Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ niêm yết lãi suất khá thấp, phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi khách hàng phát sinh giao dịch thì một số tiệm cầm đồ lại yêu cầu khách hàng phải chịu thêm các khoản phụ phí khác (ví dụ phí tư vấn, phí bảo quản tài sản, bảo hiểm khoản vay, phí quản lý rủi ro, phí thẩm định điều kiện vay…) khiến cho chi phí tài chính thực tế cho khoản vay này bị đội lên khá cao.
Có thể nói đây là hình thức “lách luật” tồn tại dưới hình thức chuyển lãi suất thành các khoản dịch vụ và chi phí khác. Điều đó có nghĩa lãi suất niêm yết của những cơ sở này thì phù hợp với quy định pháp luật nhưng chi phí thực tế người dân phải chịu khi đi vay cầm đồ cao hơn rất nhiều con số 20%/năm mà pháp luật quy định.
Luật sư Cường thông tin thêm, hiện nay hành lang pháp lý về hoạt động cầm đồ vẫn chưa thực sự chặt chẽ trong khi đây được xem là hoạt động kinh doanh phức tạp, nhạy cảm. Do đó vẫntồn tại hiện tượng “lách luật” như trên hoặc thậm chí biến tướng thành “tín dụng đen” hoạt động công khai nhưng lại chưa đủ chế tài xử lý.
Hoạt động cầm đồ là giao dịch dân sự do đó Nhà nước tôn trọng tối đa quyền tự do thỏa thuận của các bên. Tuy nhiên việc tự do thỏa thuận vẫn phải nằm trong khuôn khổ pháp luật quy định. Do đó cơ quan pháp luật cần sớm nghiên cứu xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, chi tiết hơn về hình thức cầm cố, cho vay,… để điều chỉnh biến tướng phát sinh có ảnh hưởng đến đời sống dân sinh cũng như thị trường tiền tệ, tài chính.
Trang thương mại điện tử của Hệ thống cầm đồ này còn có dấu hiệu hoạt động chui?
Trước đó, Chất lượng Việt Nam đã có bài viết phản ánh về việc hành vi lừa dối người tiêu dùng của Hệ thống cầm đồ T99. Cụ thể, tại các cơ sở kinh doanh của mình, trên biển hiệu, website hay trang fanpge, Hệ thống cầm đồ T99 quảng cáo Số 1 Việt Nam. Điều này có dấu hiệu vi phạm luật quảng cáo.
Theo đó, điều 8 khoản 11: Hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, nêu rõ: “Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”.
Ngay sau phản ánh của Chất lượng Việt Nam, Hệ thống cầm đồ T99 đã lặng lẽ sửa “slogan” ở tất cả các địa điểm kinh doanh của mình. Cùng với đó, trên trang thương mại điện tử tại địa chỉ https://www.t99.vn có dấu hiệu hoạt động "chui". Khi tra tên miền t99.vn trên Hệ thống quản lý hoạt động điện tử của Bộ Công Thương thì không có dữ liệu. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, toàn bộ website thương mại điện tử bán hàng và website cung ứng dịch vụ thương mại điện tử bắt buộc phải tham gia khai báo website với Bộ Công Thương.
Luật sư Đặng Văn Cường thông tin thêm: Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là một trong những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật đầu tư 2020. Theo Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố. Khoản 6 Điều 29 Nghị định này quy định tỷ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự.
Trong khi đó Khoản 1 điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Nếu lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì phần vượt quá không có hiệu lực. Căn cứ quy định này, lãi suất cầm cố tài sản tại các tiệm cầm đồ tối đa là 20%/năm.
Điểm d khoản 3 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay.
Pháp luật còn quy định, nếu cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Khung hình phạt thấp nhất với tội danh này là phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.