Đó là thực trạng đang diễn ra đối với nhiều gói thầu đang thi công trong 2 siêu dự án mà Ban Quản lý dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu (DAMT - BĐKH) TP Đồng Hới quản lý; khiến UBND tỉnh Quảng Bình phải liên tục đốc thúc thực hiện; người dân bức xúc.
Thi công dở dang, chậm tiến độ
Theo tìm hiểu, 2 dự án này, gồm: dự án "Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP Đồng Hới" có tổng mức đầu tư 58,11 triệu USD (gồm 18 gói thầu) và dự án "Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP Đồng Hới" có tổng mức đầu tư 38,8 triệu USD (gồm 11 gói thầu). Hai dự án này đều có thời gian thực hiện trong giai đoạn 5 năm (2017-2022).
Theo yêu cầu, hai dự án trên sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2022. Tuy vậy, sau gần 4 năm thực hiện theo kế hoạch, UBND tỉnh Quảng Bình nhiều lần đánh giá tiến độ triển khai một cách quá ì ạch, chậm chạp; đến nay chưa có dự án nào đạt trên 50% giá trị thi công trong hợp đồng, không đáp ứng yêu cầu đề ra; trong khi thời gian kết thúc và bàn giao toàn bộ các công trình chỉ còn hơn 1 năm.
Đáng chú ý, dự án “Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP Đồng Hới” được đầu tư với 58,11 triệu USD. Trong đó vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) 50,2 triệu USD; vốn đối ứng 7,9 triệu USD. Các gói thầu của dự án, gồm: Xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải và cống cấp ba khu vực Bắc Lý; kè và nạo vét hạ lưu sông Cầu Rào, cải tạo năng lực thoát nước cầu Cống Mười; xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải và cống cấp 3 ở phường Đồng Phú, Đồng Hải, Hải Thành; xây tuyến đường cầu Nhật Lệ 2 đến cầu Lệ Kỳ; đường từ cầu Lệ Kỳ đến đường tránh TP Đồng Hới, xây dựng cầu Tây...
|
Tuy nhiên, theo ghi nhận các gói thầu đang được thi công với tiến độ “rùa bò”, một số gói thực hiện dang dở rồi tạm dừng; không hoàn trả mặt bằng kịp thời và để kéo dài hoặc hoàn trả mặt bằng nhưng không bảo đảm chất lượng.
Đơn cử là gói thầu DH-1.2 “Kè nạo vét hạ lưu sông Cầu Rào, cải tạo năng lực thoát nước cầu Cống Mười”; tổng mức đầu tư 49 tỉ đồng do Liên danh 3, gồm: Công ty CP 479 Hòa Bình (Nghệ An), Công ty CP Xây dựng và Thương mại 343 (Hà Nội) và Công ty CP Xây dựng cầu 75 (Hà Nội) làm đơn vị thi công; yêu cầu hoàn thành hạng mục cầu Cống Mười trước ngày 2/9/2021 để thông xe; nhưng hiện vẫn đang còn dang dở, phương tiện chưa thể lưu thông; đáng nói trong quá trình thi công vật liệu nạo vét tập kết bừa bãi gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc.
Ngoài ra, các gói thầu xây dựng “hệ thống thoát nước mưa, nước thải và cống cấp 3” đang thi công tại các phường ở TP Đồng Hới, thời gian qua người dân sinh sống xung quanh tuyến đường Lý Thái Tổ, Lê Lợi, Hoàng Sâm… liên tục “kêu trời” về tình trạng đào đường thi công gây bụi mù mịt và mất an toàn giao thông.
Còn dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP Đồng Hới”, gồm các gói thầu: Cải thiện hệ thống thoát nước trung tâm thành phố; nước thải Bảo Ninh và một số tuyến đường dọc, đường ngang trên địa bàn… dù thời hạn kết thúc vào năm 2022, nhưng hiện trường chỉ mới đạt 24,61 % tổng khối lượng các gói thầu.
Cần đẩy nhanh tiến độ dự án
Theo báo cáo, hiện dự án "Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP Đồng Hới", tính tổng khối lượng các gói thầu đã thi công hoàn thành trên hiện trường mới tương đương khoảng gần 42% tổng giá trị hợp đồng đã ký kết và giải ngân được 245.804 tỉ đồng.
Đáng nói, dù năm 2022 sẽ kết thúc, nhưng hiện dự án này còn 3 gói thầu đang chỉ ở mức “hoàn thiện hồ sơ để tổ chức đấu thầu”, gồm: DH-1.6 (nhà vệ sinh công cộng); DH-1.10 (nâng cấp nhà máy xử lý nước thải Đức Ninh) và gói DH-1.24 (kiểm toán độc lập năm tài chính 2021-2023) nên chưa thực hiện, giải ngân.
Còn dự án "Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP Đồng Hới" thì đã đấu thầu và ký kết hợp đồng 10/11 gói thầu; chỉ còn gói DH/W7 (phục hồi cồn cát và trồng cây) vẫn đang nằm “trên giấy”. Tổng khối lượng các gói thầu đã thi công mới đạt 24,61% và giải ngân được 164.125 tỉ đồng.
Ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Ban Quản lý DAMT-BĐKH TP Đồng Hới, cho rằng rất nhiều nguyên nhân khiến 2 dự án trên rơi vào tình trạng chậm tiến độ là do một số gói thầu đến giữa năm 2020 mới được ký kết tư vấn giám sát dẫn đến gói thầu xây lắp khởi công chậm trễ so với kế hoạch. Ngoài ra mưa lũ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11/2020 đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án; tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc huy động các nguồn lực…
“Nguyên nhân khác là phần lớn các gói thầu xây lắp có tỷ lệ giảm thầu tương đối lớn (từ 19%-41%) dẫn đến việc nhiều nhà thầu “chây ì” trong thi công do khả năng thua lỗ cao. Trong khi đó, từ năm 2021 đến nay, giá một số vật liệu xây dựng tăng cao nên các nhà thầu có “tâm lý giãn tiến độ thi công” để chờ bình ổn, hạ nhiệt; trong khi đó một số gói thầu gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư khiến kết quả chưa đáp ứng theo yêu cầu đề ra” - ông Tịnh lý giải.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra và làm việc với Ban Quản lý DAMT-BĐKH TP Đồng Hới và các sở, ngành, đơn vị liên quan để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc và chỉ đạo đốc thúc nhanh tiến độ của các gói thầu tại 2 siêu dự án “rùa bò” nói trên.
Trao đổi với Phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ ra những tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai 2 dự án trên và yêu cầu Ban Quản lý DAMT- BĐKH TP Đồng Hới khẩn trương phối hợp với sở, ngành và địa phương tập trung tháo gỡ những vướng mắc, để đẩy nhanh tiến độ dự án, quyết không để tình trạng “rùa bò”.
“Tiến độ thực hiện các gói thầu đang còn chậm; việc phối hợp giữa Ban và các sở, ngành, địa phương trong một số việc còn thiếu chặt chẽ; hồ sơ thiết kế thi công, dự toán phải điều chỉnh nhiều lần, công tác giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm… đã làm ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị TP Đồng Hới; việc lưu thông đi lại mất an toàn giao thông, môi trường và trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các gói thầu thuộc các dự án mà lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần có ý kiến, chỉ đạo; cử tri và người dân phản ánh” - ông Hùng nhìn nhận.