Theo hãng tin Reuters, Viện An ninh Dược phẩm (PSI) tại Mỹ cho biết họ đang làm việc với các cơ quan điều tra, bao gồm Europol, Interpol và An ninh Nội địa Mỹ, để xác định các sản phẩm giả. Các đơn vị sẽ phối hợp mở các cuộc điều tra về khiếu nại thuốc giả, lừa đảo thương mại điện tử và chào hàng, quảng cáo trên các mạng xã hội, cũng như đưa ra hướng dẫn để lực lượng hải quan phát hiện hàng giả.
Thuốc Ozempic của nhà sản xuất Novo được phê duyệt điều trị bệnh tiểu đường. Thuốc này có chứa thành phần hoạt chất semaglutide, được sử dụng trong thuốc giảm cân Wegovy của công ty. Cả hai đều đang được những người muốn giảm cân ưa dùng. Ngoài hai loại thuốc trên, thuốc Mounjaro của hãng Lilly dùng cho bệnh tiểu đường dự kiến sẽ được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ “bật đèn xanh” để điều trị bệnh béo phì trong những tháng tới. Cả ba loại thuốc đều đang bị thiếu hụt trong bối cảnh dịch bệnh béo phì toàn cầu và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cao.
“Những loại thuốc giảm cân này hiện đang trở thành chủ đề nóng vì chúng được quảng cáo trên TV và nhận rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông”, Jim Mancuso - Giám đốc Trung tâm Điều phối Quyền Sở hữu Trí tuệ của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho hay.
Vị quan chức cảnh báo nhu cầu đặc biệt đối với các loại thuốc giảm cân có thể gây ra làn sóng làm giả thuốc nghiêm trọng nhất kể từ sau các loại thuốc điều trị rối loạn cương dương như Viagra. Mặc dù nhà sản xuất Novo nhấn mạnh từng loại thuốc Ozempic và Wegovy được chỉ định cụ thể để đặc trị bệnh tiểu đường và giảm cân, nhưng người tiêu dùng tại Mỹ vẫn sử dụng lẫn lộn để đạt được điều mong muốn.
Ảnh minh hoạ
Trong khi Novo cho biết họ hợp tác chặt chẽ với PSI và các tổ chức khác để chia sẻ dữ liệu một cách chính xác và cung cấp bức tranh đầy đủ thông tin về tình trạng làm thuốc giả, thì Lilly cho biết chiến lược của họ bao gồm việc ngăn chặn những kẻ làm giả sản phẩm của mình thông qua điều tra, giám sát Internet và các hành động pháp lý, đồng thời hợp tác với các tổ chức chính phủ, phi chính phủ và hiệp hội thương mại.
Cho đến nay, Ozempic là nạn nhân lớn nhất ở châu Âu. Các loại thuốc Ozempic giả đã được tìm thấy ở ít nhất 14 quốc gia, bao gồm Anh, Đức, Ai Cập và Nga. Các tổ chức đã đưa ra cảnh báo cho hiệu thuốc và người tiêu dùng hãy cảnh giác với phiên bản giả mạo vì không rõ chúng thực sự chứa gì.
Một quan chức của Interpol cho hay, không giống như hầu hết các loại thuốc giả thường được bán ở cộng đồng nghèo, do thuốc trị tiểu đường và béo phì giả mạo được bán với giá cao, nên phần lớn chúng xuất hiện ở các nước giàu có, bao gồm cả các nước ở Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông.
Cơ quan quản lý dược phẩm liên bang Đức tuần trước kêu gọi các hiệu thuốc và nhà phân phối thuốc cảnh giác sau khi phát hiện các lô hàng Ozempic giả. Sau đó một tuần, Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) Anh thông báo bút tiêm được dán nhãn Ozempic giả mạo đã được xác định tại hai nhà bán buôn ở Anh. Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc sử dụng các loại thuốc này có thể gây ra những rủi ro đáng kể cho sức khỏe.
THEO VIETQ.VN