|
Các nhân viên làm việc xuyên biên giới đeo khẩu trang chờ xét nghiệm COVID-19 tại khu vực Horni Folmava, gần Ceska Kubice, CH Séc, giáp giới Đức. Ảnh: AFP/TTXVN. |
Đó là kết quả nghiên cứu mới do công ty Riken và Đại học Kobe phối hợp thực hiện, công bố ngày 4/3 trong bối cảnh giới chức y tế Mỹ khuyến nghị rằng việc phòng bị với 2 khẩu trang cùng lúc sẽ hiệu quả hơn so với chỉ dùng một khẩu trang.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã sử dụng siêu máy tính Fugaku để thiết lập mô hình di chuyển của các phân tử virus từ những người đeo các loại khẩu trang khác nhau và kể cả những đối tượng dùng cùng lúc nhiều loại khẩu trang khác nhau.
Kết quả cho thấy việc sử dụng khẩu trang y tế làm từ chất liệu vải không dệt có hiệu quả 85% trong việc chặn virus, song chiếc khẩu trang cần vừa vặn với người dùng, cụ thể là ôm sát mặt và trùm kín mũi.
Trong khi đó, nếu dùng thêm chiếc khẩu trang làm từ sợi polyurethane, hiệu quả phòng dịch chỉ tăng thêm 4%, lên mức 89%.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc sử dụng hai chiếc khẩu trang vải không dệt là không hữu ích do điều này tạo ra khoảng trống không khí giữa hai khẩu trang và những kẽ hở ở viền khẩu trang, theo đó các phân tử virus vẫn có thể xâm nhập cơ thể.
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, khẩu trang N95 loại siêu cấp sẽ là công cụ tốt nhất để bảo vệ chống lại sự lây nhiễm, tiếp đó là khẩu trang không dệt, khẩu trang vải và cuối cùng là khẩu trang làm từ sợi polyurethane.
Nhóm nghiên cứu thuộc công ty Riken trước đó cũng đã ứng dụng siêu máy tính Fugaku để mô hình hóa độ ẩm có thể tác động đến sự lây lan của virus SARS-CoV-2 ra sao, cũng như những nguy cơ lây nhiễm khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, tại công sở hoặc tại các môi trường khác./.
Theo Bnews/TTXVN