Theo Ủy ban Đa dạng sinh học Liên hợp quốc, hệ sinh thái trên Trái Đất - nền tảng của sự sống - đang bị suy thoái với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Đa dạng sinh học cung cấp 18 dịch vụ cơ bản trên toàn cầu để duy trì các hoạt động sống và phát triển của con người. Tuy nhiên, 14/18 đóng góp này của thiên nhiên đang có xu hướng suy giảm trên toàn cầu. Bên cạnh đó, tỉ lệ độ che phủ rừng đã giảm từ 31,6% xuống còn 30,6% trong giai đoạn 1990-2015.
Hệ sinh thái rạn san hô có sự suy giảm về chỉ số sống sót cao nhất, trong thời gian từ 1970-2015 đã giảm 35% xuống còn 25% số loài được nghiên cứu bị đe dọa tuyệt chủng. Khoảng 7 triệu loài động, thực vật khác cũng đang đứng trước nguy cơ "biến mất" do những tác động của con người gây ra.
|
Hệ sinh thái càng suy giảm sẽ khiến "bức tường" miễn dịch giữa con người và mầm bệnh càng mong manh. |
Trong khi đó, việc tiêu thụ động vật hoang dã, phá hủy môi trường sống đã khiến các bệnh truyền nhiễm có nhiều khả năng lây sang người. “Sức khỏe” của hệ sinh thái càng suy giảm sẽ khiến "bức tường" miễn dịch giữa con người và mầm bệnh càng mong manh. Nếu không có sự thay đổi trong cách con người đối xử với thiên nhiên, đại dịch trong tương lai sẽ xảy ra thường xuyên, tổn hại nhiều sinh mạng và tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. Mức độ khốc liệt còn lớn hơn nhiều so với những gì đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra cho thế giới hiện nay.
Những tổn thất về đa dạng sinh học cùng biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa đến tiến trình thực hiện phát triển bền vững của toàn cầu. Theo Liên hợp quốc, kế sinh nhai của hơn 3 tỉ người trên thế giới phụ thuộc vào sự đa dạng sinh học biển và ven biển, trong khi 1,6 tỉ người kiếm sống nhờ vào rừng. Do đó, việc bảo tồn các loài sinh vật trên Trái Đất không còn trong khuôn khổ "lòng vị tha" mà có vai trò quan trọng để đảm bảo sự sống của con người.
Trong tuyên bố khởi động Thập kỷ Liên hợp quốc về phục hồi hệ sinh thái, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo Trái Đất đang tiến tới "thời điểm không thể quay đầu" khi nạn chặt phá rừng, tình trạng ô nhiễm sông ngòi và đại dương, các bãi cỏ bị cày xới... dường như rơi vào quên lãng. Ông nêu rõ: "Chúng ta đang tàn phá chính các hệ sinh thái vốn là nền tảng của xã hội. Sự suy thoái thế giới tự nhiên đang hủy hoại chính nguồn thực phẩm, nước và tài nguyên cần thiết để con người và các sinh vật tồn tại, cũng như cuộc sống của 3,2 tỉ người - tương đương 40% dân số thế giới."
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng nhấn mạnh: "Điều may mắn là Trái Đất có khả năng phục hồi và chúng ta vẫn còn thời gian để đảo ngược những thiệt hại mà mình đã gây ra. Bằng cách khôi phục các hệ sinh thái với những nỗ lực chưa từng có để chữa lành Trái Đất, chúng ta có thể thúc đẩy một sự chuyển đổi, góp phần đạt được tất cả các Mục tiêu phát triển nền vững."
Theo ông Guterres, việc hoàn thành những mục tiêu này sẽ không chỉ bảo vệ tài nguyên của hành tinh, mà còn giúp tạo ra hàng triệu việc làm mới vào năm 2030, tạo ra lợi nhuận hơn 7.000 tỉ USD/năm và giúp xóa bỏ đói nghèo.
Như lời Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres, 10 năm tới là "cơ hội cuối cùng" để con người có thể chữa lành “những vết thương” do chính mình gây ra đối với Trái Đất, ngăn chặn biến đổi khí hậu, ô nhiễm và suy giảm đa dạng sinh học.
Chỉ có hành động mạnh mẽ, con người mới có thể kết thúc 10 năm này bằng viễn cảnh sáng sủa: chung sống hòa bình với thiên nhiên và đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường