Dự thảo Quyết định ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định từ năm học 2020-2021. Theo đó, dự thảo bắt buộc tất cả các trường nghỉ hè 3 tháng, không được tập trung học sinh trước ngày 1/9, không được tổ chức dạy học trước ngày 5/9. Nhiều ý kiến cho rằng việc Dự thảo Bộ Giáo dục và Đào tạo “quy định” cứng thời gian tựu trường gây nảy sinh bất cập.
Phụ huynh: Lo con quên kiến thức, không ai trông
Trong khi nhiều phụ huynh, giáo viên, học sinh vui mừng trước thông tin từ năm học sau, thời gian nghỉ hè kéo dài 3 tháng, không ít bậc cha mẹ lo lắng nghỉ quá lâu, con sẽ quên kiến thức.
PGS.TS Trần Thành Nam, chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội lại cho rằng bố mẹ sợ con quên kiến thức, tức là chỉ chú trọng việc trẻ học bằng cách nhớ lặp lại cái được dạy. Nhớ lặp lại như vậy, con người sẽ càng ngày càng thua máy móc.
|
Nếu người lớn muốn trẻ có kiến thức thực sự, không phải kiểu học vẹt, kiến thức đó cần phải được hình thành qua hoạt động, trải nghiệm va chạm thực tế để chuyển thành hành vi, thói quen, năng lực của con. Loại kiến thức này khó hình thành nhưng khi đã hình thành được thì khó quên.
Ông khẳng đinh nếu chỉ học trên lớp, môi trường học tập giới hạn trong 4 bức tường, trẻ không bao giờ hình thành được năng lực đó. Kỳ nghỉ hè chính là thời gian để trẻ kiểm nghiệm kiến thức đã học vào cuộc sống.
“Những bố mẹ suy nghĩ nghỉ 3 tháng nhiều quá, sợ con quên kiến thức, cũng đều xuất phát từ tâm lý ích kỷ vì không có ai trông con. Họ đang muốn nhường hết trách nhiệm dạy con cho nhà trường, để thầy cô lo cho con mình 100%”, ông nói.
Tuy nhiên, lại có không ít người cho rằng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, học sinh đã phải ở nhà nhiều tháng, hoạt động học tập bị ảnh hưởng, áp lực học đã được giảm tải, việc dạy học online chỉ vớt vát phần nào, không thể đảm bảo được chất lượng như khi không có dịch bệnh. Câu hỏi đặt ra học sinh có cần ở nhà thêm 3 tháng hay không?
Thêm vào đó, tâm lý lo sợ không có ai trông trẻ cũng là nỗi lo chung của nhiều phụ huynh. Dưới góc nhìn của một phụ huynh có 2 con theo học tại trường tư thục, chị Trịnh Phương (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, nghỉ hè 3 tháng là quá dài, đối với trường tư thục chỉ nên áp dụng nghỉ hè 2 tháng. “Quy định khung thời gian nghỉ hè và thời gian được dạy học là cần thiết, tuy nhưng cần linh hoạt với từng đối tượng mô hình trường học và không nên quá khắt khe, cứng nhắc áp dụng chung một chính sách cho tất cả các trường".
Trong xã hội phức tạp, nhiều cám dỗ việc để con ở nhà tự do trong thời gian dài sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc đến trường sớm giúp học sinh thoải mái giao lưu với bạn bè, tham gia các hoạt động ngoại khóa bổ ích, nâng cao kiến thức, tăng cường rèn luyện sức khỏe, ngoại ngữ.
Trong khi đó, nhà trường là nơi gửi gắm con tin cậy, vừa vui chơi hè bổ ích vừa thêm kiến thức, an toàn lại giảm tải được áp lực vừa lao động và phải trông con của các bậc phụ huynh nhưng lại "đóng băng" thời gian nghỉ hè.
Anh Nguyễn Văn Hà (quận Cầu Giấy) bày tỏ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét có nên cấm triệt để việc dạy học trước ngày 5/9 hay không? Chính sách và quy định cần rõ ràng các trường không được dạy học chương trình chính trước thời gian quy định.
Còn các chương trình ngoại khóa các trường được tự do quyết định, họ được tổ chức các chương trình ngoại khóa, bổ trợ kiến thức ngoại ngữ… hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chia sẻ gánh nặng áp lực vừa phải lao động vừa trông con đối với các gia đình phụ huynh học sinh. Việc tốt sao lại cấm?
Bất cập với trường tư thục?
Dưới góc độ của người hiểu Luật, một phụ huynh khác phân tích, bất kể thời gian nghỉ hè 2 tháng hay 3 tháng. Trong thời gian đó, quyền nghỉ hè hay không nghỉ là quyền của học sinh, quyền được dạy học hay không dạy là quyền của nhà trường. Nhất là với các trường tư thục - doanh nghiệp giáo dục nếu để không cơ sở vật chất phải trả tiền thuê trong 3 tháng sẽ lãng phí nguồn lực.
Theo tìm hiểu, đặc thù của các trường tư thục là doanh nghiệp giáo dục, cơ chế hoạt động tự thân tốn kém rất nhiều chi phí như: Đầu tư vào cơ sở vật chất, trả lương đội ngũ giáo viên 12 tháng, chi phí xây dựng chương trình riêng (ngoài chương trình của Bộ), chi phí đào tạo nâng cao năng lực giáo viên… nộp thuế cho Nhà nước.
|
Cô Văn Thùy Dương và người bố của mình - cố nhà giáo Văn Như Cương trong một buổi lễ khai giảng tại trường Lương Thế Vinh (Ảnh: NVCC) |
Thời gian qua, bởi ảnh hưởng dịch Covid-19 các trường tư thục lâm vào cảnh lao đao vì khó khăn, do dịch bệnh phải cho học sinh nghỉ dài, dạy học online không thu tiền hoặc mức thu rất thấp, trong khi đó vẫn phải trả lương đều, nguồn thu hạn hẹp, nhiều chi phí tình cảnh rất khó khăn, có trường thua lỗ hàng chục tỷ đồng.
“Nhìn sang các trường công, giáo viên trường công nghỉ hè vẫn được nhà nước trả lương đầy đủ, trường tư là tự thân, nếu trường không hoạt động làm sao đảm bảo đời sống cán bộ giáo viên? Nên hãy cứ để năm học kéo dài 10 tháng đối với các trường tư thục là phù hợp chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển giáo dục”, một hiệu trưởng trường tư thục ở Hà Nội giãi bày.
Cô Văn Thùy Dương – hiệu phó Trường trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng cho rằng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 như một cuộc thi giành học bổng, tức là nếu học sinh đạt điểm cao thì được tuyển vào trường công lập và không phải nộp học phí. Đồng nghĩa với việc để vào trường công lập thì các em đã là học sinh khá, giỏi.
Còn lại 40% học sinh trượt công lập tức là có đầu vào chất lượng thấp hơn sẽ vào học dân lập, tư thục và đóng học phí.
Vậy nên muốn để học sinh học tốt các trường bắt buộc phải có phương án bồi dưỡng cho các con và các con sẽ phải học, không có con nào muốn từ yếu, trung bình lên khá, từ khá lên giỏi mà không cần phải học nhiều hơn các bạn vốn dĩ giỏi dang!
Do đó việc ấn định học sinh khá, giỏi và học sinh yếu, kém đều nghỉ hè 3 tháng như nhau là quá vô lý.
Nhận học sinh không có đầu vào tốt bằng trường công lập rồi giờ mà không cho thời gian để bổ túc kiến thức thì chuyện cứ học xong ở trường, phụ huynh phải đưa con đi học thêm là chuyện đáng lo lắng.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ