Lùm xùm tại Hà Nội Academy: Ông Đỗ Trung Thiện khẳng định vẫn đúng luật?

Theo SHTT 21:28 02/03/2020

Liên quan đến những cáo buộc của cổ đông về các sai phạm trong quá trình điều hành Hà Nội Academy, ông Đỗ Trung Thiện – Chủ tịch HĐQT Hà Nội Academy đã có những chia sẻ về việc này.

Theo ông Thiện, hiện Hà Nội Academy có 2 nhóm cổ đông, đó là nhóm cổ đông đứng đầu là những người thân quen của cá nhân ông Đỗ Trung Thiện chiếm 51% bao gồm Công ty Barotex là cổ đông lớn nhất của Hà Nội Academy chiếm 41,5% vốn điều lệ.

Điều đáng nói là ông Đỗ Trung Thiện hiện cũng đang giữ chức Chủ tịch HĐQT của Barotex, ông Thiện và ông Hùng đồng thời là cổ đông của Barotex. Công ty TNHH đầu tư và nắm giữ Thái Sơn là tổ chức liên quan đến ông Lê Văn Hùng, sở hữu 5% vốn điều lệ Hà Nội Academy do Chủ tịch công ty Thái Sơn là ông Lê Quốc Việt, là con ruột ông Lê Văn Hùng.

Ngoài ra, Bà Lê Thị Thanh Hải, vợ ông Đỗ Trung Thiện sở hữu 5,32% vốn điều lệ. Đây là nhóm cổ đông mà theo ông Thiện có quyền quyết định việc đầu tư hay không nguồn vốn dưới 30% cổ phần nhưng bắt buộc phải có lãi. Còn các cổ đông còn chỉ được coi là cổ đông ngủ, nghĩa là về việc hoạt động của công ty thì vẫn có nêu ý kiến nhưng không có quyền quyết định.

Năm 2017, ông Thiện còn tự quyết khoản vay với Barotex (là tổ chức có quyền lợi liên quan với thành viên ban điều hành) giá trị đến 19 tỷ và cũng không có tài sản đảm bảo, đã được nêu rõ trong Báo cáo tài chính.

Ông Đỗ Trung Thiện nắm giữ cương vị chủ tịch của 2 công ty

Theo tư liệu năm 2018, ông Thiện tiếp tục tự quyết khoản vay với Công ty Thái Sơn (cũng là tổ chức có quyền lợi liên quan với thành viên ban điều hành) giá trị 3 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo với lãi suất 7%, sự việc này được nêu rõ trong Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của Hà Nội Academy. Các hợp đồng cho vay trên đã không được đưa ra thảo luận và được phê duyệt bởi Hội đồng quản trị của công ty.

IDJ khẳng định, tất cả các giao dịch ông Thiện tự quyết đều là giao dịch với người có liên quan của Hà Nội Academy theo quy định của pháp luật, do vậy trước khi ký kết hợp đồng hoặc thực hiện giao dịch thì người đại diện công ty ký hợp đồng phải thông báo cho các thành viên HĐQT, Kiểm soát viên về các đối tượng có liên quan đối với hợp đồng, giao dịch đó, đồng thời gửi kèm dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của giao dịch. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 162 Luật doanh nghiệp, thành viên HĐQT có lợi ích liên quan không có quyền biểu quyết. Như vậy nếu tuân thủ đúng quy định pháp luật thì 3 thành viên HĐQT có liên quan đến Barotex và Thái Sơn sẽ không được quyền biểu quyết việc cho 02 Công ty này vay tiền.

Được biết, ông Đỗ Trung Thiện hiện nắm giữ 14,13% cổ phần Barotex (Đồng thời là Chủ tịch HĐQT Barotex), ông Lê Văn Hùng (Phó chủ tịch HĐQT) sở hữu 10,5% cổ phần Barotex. Ngoài ra, ông Lê Văn Hùng đang là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Hanoi Academy đồng thời là thành viên góp vốn và bố đẻ của ông Lê Quốc Việt – Chủ tịch Công ty Thái Sơn nhưng Hợp đồng này không đưa ra thảo luận và thông qua tại Hội đồng quản trị của Công ty.

Việc sử dụng tài chính "chồng chéo" tại Hà Nội Academy liệu có phù hợp?

Chính việc đầu tư chéo đối với các công ty “mẹ” như thế này đã dẫn đến việc sự phản đối của cổ đông IDJ, khi IDJ cho các giao dịch cho vay vốn, mua cổ phần nêu trên với Barotex và Công ty Thái Sơn không chỉ gây thiệt hại tài chính cho Công ty mà còn là những giao dịch trái quy định của pháp luật do không được thông qua đúng thẩm quyền theo Điều 162.1 Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều 31 Điều lệ Công ty Hanoi Academy.

Khi được hỏi về việc có đảm bảo về tính pháp lý khi áp dụng các khoản vay trên bằng hình thức repo cổ phiếu, ông Thiện vẫn khẳng định không hề sai luật.

“Hà Nội Academy là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh chính về giáo dục, tuy nhiên theo luật doanh nghiệp vẫn cho phép doanh nghiệp được hoạt động lĩnh vực khác mà pháp luật không cấm”., ông Thiện tự tin khẳng định.

Ông Thiện cho biết thêm, nguồn tiền mà Hà Nội Academy mua cổ phiếu quỹ và cho vay repo được lấy từ nguồn thặng dư hàng năm. Còn việc áp lãi suất đối với các cổ đông vay đều dựa trên mức lãi suất ngân hàng (không vượt quá khung), và theo ông Thiện là vẫn báo lãi hàng năm. Tuy nhiên, theo số liệu năm 2017, Hà Nội có quỹ đầu tư phát triển chưa phát triển là 3.200.000.000 đồng và lợi nhuận chưa phân phối là 10.300.000.000 đồng trong khi đó ông Thiện đã quyết khoản vay với Barotex là 19 tỷ đồng và khoản vay của Thái Sơn là 3 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên BCTC kiểm toán 2018 thể hiện tổng cộng nguồn vốn chỉ có 11.924.302.899 đồng, tuy nhiên ông Thiện đã ban hành Nghị quyết đại hội đồng cổ đông số 02/2019/NQĐHĐCĐ-HA quyết định về việc mua cổ phiếu quỹ tối đa 30% vốn điều lệ (tương đương 37.500.000.000 đồng) của cổ đông Công ty và việc cho cổ đông Công ty vay vốn theo hình thức Repo cổ phiếu đến 70% giá trị cổ phần.

Như vậy, nguồn thặng dư có đủ cân đối cho các hoạt động mua cổ phiếu quỹ và cho vay repo của Hà Nội Academy hay không vẫn còn là câu hỏi lớn. Trong khi đó, các cổ đông “thấp cổ bé họng” vẫn đang than trời phải trong vai khán giả trước mọi quyết định của nhóm cổ đông “liên minh” của ông Đỗ Trung Thiện? (Còn nữa).

Bạn đang đọc bài viết Lùm xùm tại Hà Nội Academy: Ông Đỗ Trung Thiện khẳng định vẫn đúng luật? tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội
Tin tức mới nhất