Du lịch sớm “hồi sinh” và bùng nổ hậu Covid-19

DTVN 09:31 28/05/2020

Dịch Covid-19 không chỉ tác động tiêu cực đến các hoạt động dịch vụ du lịch, mà đã làm thay đổi xu hướng, nhu cầu du lịch của người dân.

Dịch Covid-19 không chỉ tác động tiêu cực đến các hoạt động dịch vụ du lịch, mà đã làm thay đổi xu hướng, nhu cầu du lịch của người dân. Vì vậy, để kích cầu hiệu quả, doanh nghiệp đang phải chủ động, sáng tạo cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phù hợp.

Tại buổi tọa đàm “Tư duy đột phá cho du lịch hậu Corona” mới đây, TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững (STDe) cho rằng, hậu Covid-19, sẽ xuất hiện 2 xu hướng du lịch, đó là du lịch 4.0 và 0.4.Theo đó, 4.0 sử dụng công nghệ kết nối nhiều giá trị, giúp khách du lịch chỉ cần ở trong phòng mà vẫn được hưởng thụ các nhu cầu vật chất và tinh thần, đây sẽ là xu hướng chỉ đạo. Còn 0.4 là xu hướng trở về thiên nhiên hoang dã, không có sự can thiệp của con người; cũng có thể hiểu đây là nhu cầu du lịch xanh, sử dụng những nguyên liệu tự nhiên, không khai thác tài nguyên nhiên nhiên.

Du lịch nội địa sẽ là giải pháp chủ đạo để vực dậy ngành du lịch

PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, chúng ta đang đối diện với các vấn đề đương đại như biến đổi khí hậu, môi trường, sức khỏe... Theo đó, du lịch vì thế sẽ xoay chuyển theo chiều hướng theo nhóm nhỏ, cá nhân, gia đình...; thị trường sẽ hướng đến các loại hình du lịch về sức khỏe (yoga, thiền, sinh thái, nghỉ dưỡng...), qua đó sẽ kéo theo sự xuất hiện các khu du lịch sức khỏe, hoặc nhu cầu đến những điểm tránh tập trung đông người. Như vậy, du lịch nội địa sẽ là giải pháp chủ đạo để vực dậy ngành du lịch, cần thiết đưa ra các giải pháp kích cầu.

Đã từng khảo sát nhu cầu khách du lịch trong mùa Covid-19, Giám đốc điều hành Lux Travel Ngô Tiến Đức cho biết, xuất phát từ tâm lý lo ngại dịch bệnh, sợ môi trường du lịch chưa an toàn, thói quen của khách du lịch cũng bị ảnh hưởng qua tiêu dùng, ăn uống, phương thức mua sắm. Do đó, thay vì đi các tour sang chảnh, dài ngày, khách du lịch đang hướng tới sử dụng tour ngắn ngày, siêu tiết kiệm, siêu khuyến mại. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam có nhu cầu cao hơn khi mua tour du lịch online thay cho offline trước đây.

Trước thực tế này, doanh nghiệp tập trung thiết kế gói sản phẩm “ngon bổ rẻ”, nhằm đáp ứng nhu cầu của đại đa số khách hàng. “Chúng tôi đang áp dụng app du lịch công nghệ team building 4.0, nhằm giảm thiểu tập trung quá đông người trên một địa điểm, giảm chi trả phí cho lao động dịch vụ. Khách du lịch chỉ cần chi trả 200 - 300.000 đồng hoặc 500 - 600.000 đồng cho mỗi gói sản phẩm phù hợp” – ông Ngô Tiến Đức thông tin.

Đánh giá về chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, TS. KTS Nguyễn Thu Hạnh cho rằng, với các kế hoạch nói trên của doanh nghiệp, cùng những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành, tin rằng du lịch sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm “hồi sinh” và bùng nổ hậu Covid-19.

Bên cạnh đó, để thích nghi với tình hình mới, nhiều doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ trong nước như Pys Travel và Haydi Travel cũng phải xoay chuyển hình thức cung ứng dịch vụ, như đưa đặc sản các vùng miền đến tận nhà cho du khách vì dịch Covid-19, hay giảm sâu các gói cung cấp dịch vụ sau thời gian cách ly xã hội để kích cầu. Các gói sản phẩm được doanh nghiệp triển khai dựa trên các điều kiện: Có khách, có doanh thu, có lợi nhuận, phát triển bền vững; đồng thời cũng tính đến sự sáng tạo, linh hoạt, hạn chế thấp nhất rủi ro, mạo hiểm.

Theo Thanh Huyền/Báo Công Thương Điện Tử

Link gốc : https://congthuong.vn/du-lich-som-hoi-sinh-va-bung-no-hau-covid-19-137664.html

Bạn đang đọc bài viết Du lịch sớm “hồi sinh” và bùng nổ hậu Covid-19 tại chuyên mục Đời sống – Xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Đời sống – Xã hội
Tin tức mới nhất