|
Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang , Phú Quốc… là những địa điểm thường được các doanh nghiệp du lịch lựa chọn nhiều tổ chức du lịch MICE. |
Nhiều lợi thế
Du lịch MICE có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, tạo sức lan tỏa cho những điểm đến. Vì vậy, phát triển loại hình du lịch này là một trong những định hướng quan trọng trong việc phát triển ngành công nghiệp không khói ở nước ta. Nhưng để làm được điều đó thì cần phải phát huy được lợi thế tiềm năng vốn có để tạo được sản phẩm độc đáo, từ đó đón đầu xu hướng tạo sức hút.
Theo đánh giá từ các chuyên gia du lịch, Việt Nam có lợi thế rất lớn để làm du lịch MICE như văn hóa bản sắc, ẩm thực phong phú, bờ biển dài và đẹp, cảnh quan thiên nhiên đa dạng và an toàn. Trong khi đó, khách MICE đang hướng tới các trải nghiệm tìm về nơi hoang sơ, gắn liền với thiên nhiên hoặc tìm hiểu cuộc sống, văn hóa địa phương sau khi các cuộc hội thảo kết thúc… Những nhu cầu đó luôn là lợi thế của Việt Nam.
Năm 2022, TPHCM được World MICE Awards - giải thưởng toàn cầu nhằm công nhận và trao thưởng cho các thương hiệu xuất sắc trong ngành MICE vinh danh là “Điểm đến Du lịch MICE hàng đầu châu Á”. Ngoài giải thưởng dành cho TPHCM, World MICE Awards còn trao giải “Hãng hàng không MICE tốt nhất châu Á 2022” cho Vietnam Airline. Có thể thấy, loại hình du lịch MICE ở Việt Nam đã có vị trí nhất định và được đánh giá cao.
Theo số liệu thống kê, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực du lịch trong nước ước tính, khách MICE chiếm khoảng từ 15 - 20% tổng lượng khách và có thời điểm lên đến 60% đối với một số đơn vị lữ hành lớn trong giai đoạn cao điểm. Có khoảng 20% khách MICE đến từ thị trường châu Âu, đây chính là dòng khách cao cấp, có mức chi tiêu lớn, từ 700 – 1.000 USD/ngày. Trong khi đó, dòng khách MICE đến từ thị trường châu Á chi tiêu khoảng 400 USD/ngày. Đây là số tiền chi trả cao, khi trung bình chi tiêu của một khách du lịch đến Việt Nam trong 9 ngày là 1.200 USD.
Ông Nguyễn Đức Anh - Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch MICE Việt Nam nhận định, thực tế từ nhiều năm nay, du lịch MICE ngày càng phát triển tốt không chỉ về lượng mà còn về chất. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thay vì cho nhân viên đi du lịch thông thường, nay đã có sự kết hợp với các hội thảo, sự kiện hoặc lễ tổng kết.
Những năm gần đây, tại nhiều địa phương, cơ sở hạ tầng để phục vụ phát triển du lịch đã được quan tâm và có sự đầu tư mạnh mẽ. Đặc biệt, nhiều các khu resort, các quần thể du lịch phức hợp phục vụ nhu cầu đa dạng của khách MICE. Trong đó, ngoài Hà Nội và TPHCM là 2 trung tâm du lịch lớn của cả nước, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang , Phú Quốc… là những địa điểm tổ chức du lịch MICE được các doanh nghiệp du lịch lựa chọn nhiều. Ngoài ra, những địa phương miền núi đều có thể trở thành điểm đến du lịch MICE hấp dẫn.
|
Ðoàn vận động viên cầu mây Thái Lan tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). |
Cần có định hướng và liên kết
Phát triển du lịch MICE đòi hỏi cơ sở hạ tầng phải đáp ứng, tổ chức được những sự kiện lớn, ứng dụng công nghệ số trong quá trình quảng bá cũng như tổ chức sự kiện. Bên cạnh đó, cần đồng bộ rất nhiều lĩnh vực như xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ của những người làm dịch vụ, đồng thời tăng cường xúc tiến du lịch. Đây là những vấn đề mà Việt Nam cần phải sớm khắc phục để không bỏ lỡ dòng khách sẵn sàng chi trả cao khi đi nghỉ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng cần sớm có định hướng chiến lược cho phát triển MICE toàn ngành, cần sự kết nối đồng bộ. Sự vào cuộc của địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng là đặc biệt quan trọng. Cùng với đó, vấn đề liên kết đang là điểm yếu của du lịch MICE Việt Nam. Đó là liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ, giữa các doanh nghiệp với các doanh nghiệp, giữa các địa phương với nhau.
Còn theo ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội cho biết, Phát triển du lịch MICE không dễ vì phải đầu tư cả con người, công nghệ. Các địa phương cần phải đánh giá lại về điều kiện phát triển loại hình du lịch này tại địa phương. Bởi nếu chỉ tập trung xây lên hội trường lớn nhưng rồi không tổ chức được MICE sẽ gây ra lãng phí.
“Phát triển ngành du lịch cao cấp phải hết sức thận trọng, dựa vào năng lực của mình, kể cả nguồn lực về vật chất cũng như con người. Nhân lực là vấn đề khó khăn nhất của ngành du lịch không chỉ đối với MICE mà còn ở tất cả các lĩnh vực khác. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực, bổ túc nghề nghiệp có thể đi tắt” - ông Bình nói nói.
Mới đây, tại Hội nghị phát triển du lịch MICE và golf tại Hà Nội thuộc khuôn khổ Festival Thu Hà Nội 2023, các đại biểu và chuyên gia cho rằng khó khăn hiện nay của du lịch MICE ở Hà Nội và các địa phương khác, là thiếu các địa điểm tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế hoặc có thể thu hút từ 1.000 khách trở lên. Các dịch vụ, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của dòng khách cao cấp này cũng còn nhiều hạn chế.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh hy vọng, trong thời gian tới sẽ có sự tham gia tích cực hơn từ các đơn vị lữ hành để kết nối các ngành dịch vụ, vận chuyển, điểm đến. Việc kết hợp hai loại hình du lịch MICE và golf sẽ là lợi thế lớn giúp ngành du lịch xây dựng sản phẩm mới, tiềm năng có thể tạo nguồn thu du lịch lớn trong thời gian tới.
Câu lạc bộ Du lịch MICE (VMC) do Hiệp hội Du lịch Việt Nam thành lập nhằm giúp du lịch MICE của Việt Nam tăng tính chuyên nghiệp và đồng bộ hơn. Sau 3 năm, hiện nay, câu lạc bộ đã quy tụ gần 100 thành viên bao gồm các công ty chuyên tổ chức du lịch sự kiện, các nhà cung cấp ở quy mô lớn liên quan đến nghỉ dưỡng, ăn uống, vận chuyển, trang thiết bị phục vụ cho loại hình này trên cả nước.
THEO ĐẠI ĐOÀN KẾT