Chiêu cũ, nạn nhân mới
Dạo một vòng trên mạng, có thể tìm thấy rất nhiều địa chỉ, số điện thoại hứa hẹn giới thiệu việc làm. Nhưng nhiều khi đó chỉ là người ảo, số ảo... sẽ biến mất rất nhanh sau khi đã nhận tiền từ người xin việc.
Thông tin trên báo tuổi trẻ, Chị H. (quê Tây Ninh) tìm việc làm qua Facebook. Một người tên Toàn hứa sẽ tuyển người vào làm ở một siêu thị lớn tại TP.HCM.
Họ hẹn chị đến một căn nhà trong hẻm nhỏ ở Q.Gò Vấp, TP.HCM để phỏng vấn. Mỗi người đóng 500.000 đồng "phí đặt chỗ", hẹn một tuần đến nhận việc.
Đúng hẹn, chị quay lại thấy cửa đóng, treo bảng "công ty chuyển địa chỉ đến..., Q.Thủ Đức", gọi người tên Toàn kia thì lại được hướng dẫn đến một điểm khác ở Q.7. Cả hai nơi đều là nhà đóng cửa, số điện thoại không liên lạc được nữa...
|
Chiêu lừa này đã lặp lại gần hai năm qua, càng ngày "nạn nhân" lại là người ở tỉnh xa hơn. Và luôn có đông người cùng đến dự "phỏng vấn", cũng có nghĩa là số tiền nhóm người lừa đảo thu được có thể lên đến hàng chục triệu đồng.
Một chiêu rất cũ khác vẫn luôn có "nạn nhân" mới: thông báo tuyển tài xế, yêu cầu đóng 750.000 đồng tiền đồng phục, rồi dẫn đến nơi làm... bốc vác. Việc không phù hợp, muốn đòi lại tiền thì "công ty" cử một nhóm giang hồ ra hăm dọa, đành bỏ cuộc.
Cận tết và dịp hè là cao điểm sinh viên tìm việc làm thời vụ. Chỉ một dòng thông tin tuyển dụng kèm số điện thoại đăng trên mạng, hàng trăm bạn trẻ "được mời" đến.
Mỗi người đóng 750.000 đồng (gồm phí đặt chỗ, tiền đồng phục, phí làm thẻ ATM). Nơi gọi là "trụ sở công ty" chỉ kê vài cái bàn, không bảng hiệu, mọi giấy tờ biên nhận đều không có dấu mộc. Và họ đã kịp dọn đi trước ngày hẹn. Hàng xóm nói: họ chỉ thuê nhà này trong một tháng. Ít hôm sau, báo đăng các "nhóm tuyển dụng" khác hoạt động kiểu tương tự ở hai quận khác tại TP.HCM.
Tỉnh táo với "bẫy" việc nhẹ, lương cao
Tình trạng lừa đảo tuyển dụng lao động diễn ra ở các thành phố lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Những hứa hẹn ngọt ngào: việc nhẹ nhàng, ổn định ở công ty lớn, giờ giấc linh hoạt, lương cao, không cần bằng cấp, kinh nghiệm... Vì nhiều lý do như: thiếu thông tin, nhẹ dạ hoặc bức thiết cần việc làm... mà đến nay vẫn có không ít người bị mắc bẫy lừa.
Các công ty "dỏm" này giống nhau ở chỗ thường xuyên dời địa chỉ, yêu cầu đóng trước nhiều khoản tiền có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, tất cả đều là hứa hẹn, trao đổi miệng. Họ không ký kết hợp đồng lao động, hợp đồng thử việc, và cũng không thực hiện những lời hứa hẹn và các cam kết đúng như khi tuyển dụng.
|
Phần đông người lao động khi phát hiện bị lừa đều bỏ qua, ít người khiếu nại đến cùng bởi số tiền bị lừa không lớn.
Nhưng số tiền những nhóm lừa đảo thu được không hề nhỏ khi có hàng trăm người cùng đến xin việc. Liên tục dời chỗ cũng là cách "né" cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp cơ quan chức năng địa phương đến nơi chỉ gặp "nạn nhân", nhóm người kia, nhanh chân hơn, đã gom tiền đi mất.
Rất nhiều thông tin từ bạn đọc về tình trạng lừa đảo việc làm. Nhiều nhất là thời điểm cận tết, và nghỉ hè. Thời gian gần đây vẫn thường xuyên có những "địa điểm tuyển dụng mới" thu tiền xong rồi biến mất. 2/3 trường hợp tìm trên mạng.
Các chiêu lừa đảo phổ biến là một người/một nhóm người hứa tuyển dụng lao động cho các siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi, các công ty vận tải tuyển lái xe. Mỗi người đến phỏng vấn đóng từ 50.000 - 1 triệu đồng rồi hẹn ngày nhận việc nhưng họ biến mất hoặc hứa hẹn việc này lại chuyển đến nơi làm việc khác, bị bạc đãi... Nhiều trường hợp đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc, không biết làm sao nhận lại giấy tờ tùy thân.
Ông Nguyễn Văn Sang, phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (Yes Center), cho biết hiện nay các bạn trẻ có xu hướng tìm việc thông qua tìm kiếm trên Internet. Tuy nhiên mức độ rủi ro từ những mẩu tuyển dụng trôi nổi trên mạng rất cao do nhiều trang cộng đồng không có người kiểm soát. Người trẻ cần trang bị thông tin về các chiêu thức lừa đảo thông qua tin tức trên báo chí với các dấu hiệu nhận biết, khi nghi ngờ thì kiểm chứng thông tin kỹ càng để nhờ đó không bị rơi vào "bẫy" mà tiền mất tật mang.
Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ