Theo đó, Hà Nội quyết định không tổ chức bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện, thị xã như dự kiến.
Theo đó, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các cấp, các ngành phải xác định phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu trong trước, trong và sau Tết nguyên đán Tân Sửu 2021.
Các lực lượng tập trung phát hiện sớm, khoanh vùng dập dịch nhanh, triệt để, không để dịch lây lan; tiếp tục duy trì thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội...
Tập trung cao độ hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với phương châm nơi có điều kiện hỗ trợ nơi khó khăn, khơi dậy các lĩnh vực có tiềm năng phát triển, tận dụng mọi điều kiện để “góp gió thành bão”, hạn chế tối đa thiệt hại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
|
Hà Nội sẽ không bắn pháo hoa tại 30 điểm như dự kiến. (Ảnh minh họa: Internet) |
Để thực hiện tốt yêu cầu trên, Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp, ngành thành phố tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ.
Phải truy vết nhanh hơn, phát hiện sớm hơn nữa, phát huy vai trò tổ giám sát cộng đồng, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, thực hiện khai báo y tế.
Tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa cấp thành phố với cấp quận, huyện, cấp quận, huyện với xã, phường, thôn, tổ dân phố và giữa các ngành của thành phố trong công tác phòng, chống dịch.
Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo nâng cao năng lực xét nghiệm, triển khai việc thực hiện xét nghiệm theo đúng quy định; chỉ đạo nghiên cứu, xem xét mức độ và quyết định sự cần thiết của việc cho phép tổ chức các hoạt động, sự kiện cần thiết, các hoạt động phục vụ nhân dân vui Tết, đón Xuân... trên nguyên tắc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch là ưu tiên hàng đầu. Không tổ chức bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện, thị xã như dự kiến; nghiên cứu phương án tổ chức bắn pháo hoa tầm cao đêm giao thừa tại 1 địa điểm thích hợp với yêu cầu nghiêm ngặt phòng, chống dịch Covid-19 (không tập trung đông người) để truyền hình trực tiếp phục vụ nhân dân.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố nghiên cứu có quyết định khoanh vùng dịch rộng hơn, thực hiện xét nghiệm phạm vi rộng hơn đối với trường hợp F1, F2, người đi về từ vùng dịch, người có nguy cơ nhiễm cao tại khu cách ly, các y, bác sĩ, các lực lượng thực thi nhiệm vụ, ưu tiên xét nghiệm đối với trường hợp F1...; sớm thông báo kết quả xét nghiệm để người dân yên tâm.
Phối hợp với Bộ Y tế để xét nghiệm cho các nhân viên của sân bay Nội Bài, ưu tiên xét nghiệm ở Đại học FPT, Nhà máy Z153, thôn Bạch Trữ (huyện Mê Linh), khu đô thị Times City và chung cư Mỹ Đình 2.
Trước ngày 4/2, phải có kết quả xét nghiệm xong hoàn toàn các trường hợp F1 trên địa bàn thành phố.
Rà soát, chuẩn bị nguồn nhân lực, có kế hoạch huy động đội ngũ chuyên gia, lực lượng sinh viên ngành y, y bác sỹ nghỉ hưu trên địa bàn khi cần thiết; nhu cầu về thiết bị, thuốc phục vụ phòng, chống dịch.
Chuẩn bị khẩn trương các khu cách ly và các cơ sở chữa trị tại Bệnh viện dã chiến Mê Linh, Bệnh viện Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đức Giang, các bệnh viện tuyến huyện, nghiên cứu sáng kiến của quận Nam Từ Liêm thực hiện cách ly tại chỗ nếu phù hợp và bảo đảm điều kiện (như Trường Tiểu học Xuân Phương).
Đối với việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19, Thường trực Thành ủy sẽ báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy về chủ trương. Giao Ban cán sự đảng UBND TP làm việc với Bộ Y tế, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo cung cấp vắc-xin cho người dân Thủ đô bằng nguồn vốn từ ngân sách TP và các nguồn vốn hợp pháp khác, ưu tiên trước hết cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Trước đó, Hà Nội quyết định bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện với 6 điểm tầm cao và 24 điểm tầm thấp. Trong đó, 6 điểm bắn pháo hoa tầm cao gồm: Khu vực hồ Gươm; vườn hoa Lạc Long Quân (quận Tây Hồ); sân vận động Mỹ Đình (Nam Từ Liêm); công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng); hồ Văn Quán (Hà Đông); thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây); 24 điểm bắn pháo hoa giao thừa tầm thấp tại các quận, huyện còn lại.
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường