Hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều các dịch vụ cho vay trên mạng xã hội, các ứng dụng trên điện thoại (app) giao dịch, cho vay bên cạnh các website cho vay ngang hàng (P2P Lending) như trước đây.
Các dịch vụ cho vay thông qua app nói riêng và các hình thức cho vay ngang hàng nói chung mới xuất hiện trong vài năm qua, cung cấp các dịch vụ tài chính mới, cho vay dễ dàng và nhanh chóng, có thể vay tín chấp mà không cần tài sản đảm bảo… cũng là những yếu tố khiến nhu cầu vay qua hình thức này tăng lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, trên thực tế các dịch vụ cho vay ngang hàng này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là bởi những chiêu trò về lãi suất cho vay, có khi được đẩy lên rất cao và được coi là “tín dụng đen”.
Vay tiền quá dễ dàng
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay có rất nhiều app cho vay như: Umoney, uVay, EZdong, Idong, 365vay, Vdong, Việt Thần Tài, iCloud Cash… Những ai có nhu cầu chỉ cần ngồi nhà cũng có thể vay tiền thông qua vài thao tác trên điện thoại. Đa số các app này được quảng cáo khá nhiều trên các trang mạng xã hội, website về cho vay trực tuyến…
|
Quảng cáo trên một app vay tiền. |
Hầu hết các app này được quảng cáo cho vay số tiền ở mức giá nhỏ, từ 1-20 triệu đồng. Khi tải ứng dụng app uVay, thì chúng tôi nhận được quảng cáo các gói vay từ 2-10 triệu đồng trong thời gian 15 ngày với thủ tục cho vay nhanh gọn trong vòng 3 phút, giải ngân trong 30 phút, thanh toán trực tiếp tới thẻ ngân hàng… Ứng dụng này có hạn mức vay từ 1,5-10 triệu đồng, thời hạn vay trong vòng 15 ngày. Lần vay đầu tiên được tối đa 2,5 triệu đồng.
Nhiều ứng dụng cho vay yêu cầu cung cấp định vị GPS của người vay, cung cấp các số danh bạ của người thân, truy cập vào dữ liệu danh bạ của người dùng… Khi tải ứng dụng VĐồng, ngay trên màn hình chính có thông tin app yêu cầu người dùng cho phép truy cập quyền vị trí theo định vị GPS của điện thoại với lời mời chào “Sau khi cho phép quyền này, tỷ lệ duyệt khoản vay sẽ được tăng lên đến 99,9%”.
Khi ấn vào nút “Tôi muốn vay tiền”, người vay sẽ được yêu cầu nhập số điện thoại. Sau khi nhập số điện thoại, app này gửi mã OTP về điện thoại và yêu cầu nhập mã vào để đăng nhập, tạo mật khẩu trong app. Khi đăng nhập xong, nhấn vào nút “Vay ngay”, app đưa ra các khoản vay từ 1-20 triệu đồng, thời hạn trả từ 91-120 ngày.
App này yêu cầu điền các thông tin cá nhân, thông tin thu thập về tình hình việc làm, tình trạng hôn nhân, đồng thời yêu cầu truy cập danh bạ điện thoại và nhập các số điện thoại của người thân… với lời mời chào “Hoàn thành các thông tin này để có thể vay đến 20 triệu đồng”. Để người vay tin tưởng, trên màn hình app tiếp tục hiện dòng chữ “Chúng tôi sẽ không sử dụng những thông tin này cho mục đích khác”. Sau đó người vay sẽ tiếp tục điền thông tin các bước cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, chụp ảnh chứng minh nhân dân…
Đa số các app này thường cho vay bằng hình thức tín chấp, thao tác đơn giản, nhận được tiền nhưng khi nhận tiền sẽ bị “trừ thẳng” gọi là phí dịch vụ.
Vay nhưng không thể trả
Vay app là mô hình vay tiền tín dụng đen qua ứng dụng trực tuyến. Người muốn vay chỉ cần tải ứng dụng vay tiền về điện thoại di động, đăng ký thông tin cá nhân và gửi yêu cầu vay. Chỉ vài giờ sau, tiền sẽ được gửi vào tài khoản cá nhân. Con nợ app tín dụng đen thường là những người nghèo, lâm cảnh đường cùng, sau khi đã quay vòng vay từ ngân hàng chính sách, đến quỹ tín dụng và thậm chí cả tín dụng đen.
Trong cơn nguy cấp, họ vớ được app tín dụng với thể thức vay nhanh, gọn, dễ dàng, như người đang đuối nước vớ được phao để bấu víu, quay vòng, cứ nhắm mắt thả trôi tới đâu hay tới đó.
Cho dù biết rằng vay app tín dụng đen là phải trả lãi rất nặng, nhưng họ vẫn phải liều, miễn là giải được món nợ trước mắt. Nhưng khi nhận được số tiền vay chỉ “trong vòng vài nốt nhạc” thì họ giật mình khi bị trừ ngay khoản “chi phí dịch vụ” trên số tiền vay đó.
Chẳng những thế, lãi suất không phải gấp mấy lần lãi suất ngân hàng như họ tưởng, mà gấp hàng chục lần, thậm chí gấp trăm lần. Qua báo chí, có những nạn nhân đã kêu cứu, như chị H. ở TPHCM, vay 3 triệu đồng phải trả 40 triệu đồng; chị P.T.T.M. ở Tiền Giang vay 8 triệu đồng phải trả gần 200 triệu đồng…
Đó là những trường hợp điển hình cho việc vay app, một hình thức tín dụng đen. Bẫy app tín dụng đen vẫn dụ được người vay là do người cho vay online sẽ báo lãi suất rất thấp, nhưng khi giao tiền thì trừ khoản phí lớn, khi thu nợ sẽ phát sinh tiền phạt chậm trả với lãi suất có khi lên đến 600% - 700%/năm.
Do đây là hình thức cho vay theo thỏa thuận bằng miệng, nên khi bị tính lãi suất “cắt cổ”, người vay cũng đành chịu, vì nếu không trả sẽ bị đòi nợ kiểu xã hội đen như gọi điện thoại trấn áp, dọa gọi cho những người thân trong danh bạ điện thoại mà bên cho vay đã cập nhật lúc người vay tải ứng dụng về điện thoại, hoặc đến nhà đòi nợ, hăm dọa hành hung…
Nông dân nghèo sập bẫy
Hiện trên mạng đang có rất nhiều tổ chức cho vay tiền tín dụng đen qua ứng dụng trực tuyến. Trong số những người vướng vào app tín dụng đen, có nhiều nông dân nghèo. Một số mắc bẫy vì chưa từng biết app tín dụng đen là cạm bẫy, còn nhiều trường hợp khác là do hết đường nên nhắm mắt vay liều.
Có những nông dân nghèo vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi nhưng lại không sử dụng vốn vay đúng mục đích sản xuất nông nghiệp, mà dùng tiền vay để nuôi con ăn học, với hy vọng vài năm sau khi con cái họ tốt nghiệp, có việc làm ổn định, cả gia đình sẽ dần thoát khỏi cảnh nghèo túng đeo đẳng bấy lâu nay.
|
Ảnh minh họa. |
Nhưng trước mắt, đến lúc đáo hạn không biết lấy tiền ở đâu để trả cho ngân hàng cả vốn lẫn lãi và vay tín dụng đen là chuyện chẳng đặng đừng, với hy vọng trả nợ ngân hàng hôm trước, hôm sau lại vay ngân hàng để trả cho tín dụng đen. Nhưng khi không được ngân hàng duyệt cho vay tiếp, thì bi kịch nợ tín dụng đen là chuyện phải đến.
App tín dụng đen là hoạt động vi phạm pháp luật, tất nhiên phải chịu sự điều chỉnh của luật pháp; nhưng về mặt chủ quan, người lâm cảnh nghèo túng cũng nên cảnh giác, đừng bao giờ gỡ khó bằng app tín dụng đen. Vướng vào là không còn đường ra. Chính quyền các địa phương cần lưu ý tăng cường giáo dục kiến thức tài chính tín dụng cho người dân, để họ cảnh giác với tín dụng đen.
Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng thương mại không bao quát hết khu vực nông thôn, rất cần có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phát triển để thu hẹp thị trường tín dụng phi chính thức là tín dụng đen.
Theo Vietq