Doanh nghiệp còn hời hợt với công cụ pháp lý khi 'bơi ra biển lớn'

DTVN 10:07 19/10/2019

Nhận thấy sự lúng túng của doanh nghiệp khi mở rộng phát triển ra quốc tế vì không nắm rõ pháp lý, viện Khoa học pháp lý & Kinh doanh quốc tế (Hội Luật gia Việt Nam) đã tổ chức diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Sơn, Viện trưởng viện Khoa học pháp lý & Kinh doanh quốc tế (IBLA) cho rằng, trong nền kinh tế thị trường, muốn hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, thì doanh nghiệp cần phải tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật. Và dù là doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ hay siêu nhỏ thì cũng đều phải đối mặt với các vấn đề rủi ro về mặt pháp lý trong quản lý, điều hành, giao dịch, lao động,…

“Rủi ro pháp lý là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế chuyển đổi và hệ thống pháp luật đang còn nhiều sự bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, phức tạp… Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp chưa nhận thấy sự nguy hiểm của việc không nắm bắt và tuân thủ pháp luật, đồng thời cũng không cảm nhận được sự cần thiết phải có tư vấn pháp luật”, bà Sơn đánh giá. Điều khó nhất đối với doanh nghiệp không phải là tìm văn bản pháp luật, mà là sự lúng túng trước những vấn đề mập mờ, khó hiểu và xung đột pháp lý. Mọi sự vi phạm hay không tuân thủ pháp luật đều sẽ dẫn đến rủi ro pháp lý ở mức độ khác nhau.

Vì vậy, việc phòng ngừa và xử lý rủi ro pháp lý là vấn đề quan trọng đối với mọi doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, luật gia Nguyễn Văn Kích, nguyên Thành viên ban Nghiên cứu kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Phó Viện Trưởng viện IBLA nêu ra thực trạng nhận thức và ý thức pháp luật của doanh nghiệp còn thiếu tập trung, bên cạnh tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống luật về kinh tế chưa tốt.

“Cần xác định rõ vai trò của doanh nghiệp trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Doanh nghiệp phải được tham gia xây dựng văn bản từ khâu dự thảo đến khi trình Quốc hội phê chuẩn nhằm nâng cao hiệu quả của pháp luật về thực tiễn. Từ đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cộng đồng doanh nghiệp cũng được nâng cao”, ông Nguyễn Văn Kích nói.

Còn luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM nhận xét: “Pháp luật về hợp đồng có vị trí rất quan trọng trong hệ thống pháp luật của bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Việt Nam. Vì hầu hết các giao dịch trong xã hội, dù có mục đích khác nhau như kinh doanh hay đáp ứng các nhu cầu cuộc sống, đều liên quan đến hợp đồng. Cùng với xu thế tự do thương mại, pháp luật về hợp đồng ngày càng được hài hòa hóa, nhiều bộ quy tắc chung về hợp đồng mang tính quốc tế ra đời để đáp ứng nhu cầu phát triển quan hệ thương mại giữa các quốc gia”.

“Vì thế, cần hoàn thiện thể chế và thiết chế về giải quyết tranh chấp đảm bảo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí và nhiều lựa chọn cho các chủ thể tham gia hợp đồng. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế giải quyết tranh chấp bằng thiết chế Tòa án, cũng cần phát triển thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án như Trọng tài thương mại”, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho hay.

Ông Hậu cũng ủng hộ việc Hội Luật gia Việt Nam chủ trì rà soát, đánh giá pháp luật và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng phương thức trọng tài thương mại, hòa giải thương mại; cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng,...

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp còn hời hợt với công cụ pháp lý khi 'bơi ra biển lớn' tại chuyên mục Nhịp cầu kết nối. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Nhịp cầu kết nối
Tin tức mới nhất