Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) vừa công bố thông tin, ông Yasuhiro Saitoh – hiện đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT sẽ đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thay Ông Cao Xuân Ninh.
Ngày 25/06/2020 vừa qua, HĐQT đã tổ chức phiên họp HĐQT, chấp thuận cho Ông Cao Xuân Ninh từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT theo nguyện vọng cá nhân.
Đồng thời, HĐQT đã thông qua bầu ông Yasuhiro Saitoh - hiện đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT sẽ đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thay Ông Cao Xuân Ninh.
|
Ông Cao Xuân Ninh. |
Việc tổ chức ĐHĐCĐ bất thường này được quyết định sau khi nhận được kiến nghị của nhóm cổ đông lớn Eximbank là cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nắm 15% vốn tại Eximbank.
Theo thư kiến nghị của cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nắm 15% vốn tại Eximbank, SMBC đã nhiều lần đề xuất tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để bàn về một số vấn đề của Ngân hàng nhưng chưa được giải quyết.
Eximbank có lẽ là nhà băng có thời gian các vị Chủ tịch tại vị ngắn nhất, đặc biệt là trước các kỳ Đại hội đều có sự biến chuyển nhân sự cấp cao.
Trước đó ông Cao Xuân Ninh đã bất ngờ có đơn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT. Đơn từ nhiệm đề ngày 15/6 và nêu xuất phát từ "lý do cá nhân". Như vậy là sau hơn 1 tháng ngồi "ghế nóng", ông Cao Xuân Ninh có đơn xin từ chức do các mâu thuẫn, bất đồng giữa các cổ đông/nhóm cổ đông trong nội bộ còn tiếp diễn, chưa thể dung hòa.
Nhắc rằng, đây không phải là lần đầu tiên ông Cao Xuân Ninh làm đơn "trả ghế" Chủ tịch HĐQT Eximbank - vị trí mà đến lúc này vẫn còn một số ý kiến đặt vấn đề về tính hợp pháp.
Vấn đề là "chiếc ghế" Chủ tịch HĐQT mà ông Ninh tiếp quản từ ông Quốc, trước đó vốn đã được trao cho bà Lương Thị Cẩm Tú, theo Nghị quyết HĐQT số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT, vào ngày 22/3/2019.
Nghị quyết số 112 này từng bị Tòa án Nhân dân Tp. HCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc Eximbank phải tạm dừng thực hiện. Đến ngày 14/5/2019, Tòa án lại ra quyết định hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đồng nghĩa, mở lại hiệu lực của Nghị quyết đã đưa bà Tú lên thay ông Quốc.
Vì lý do này mà đến nay, nhiều cổ đông vẫn ủng hộ quan điểm bà Tú mới là Chủ tịch HĐQT hợp pháp của Eximbank. Họ cho rằng, Nghị quyết 231/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 15/5/2019 về việc chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết số 112 mà ông Lê Minh Quốc ký ban hành là không hợp pháp, bởi trước khi bước vào cuộc họp HĐQT Eximbank ngày 15/5/2019, bà Lương Thị Cẩm Tú (căn cứ theo quyết định của Tòa án) mới là Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này (chứ không phải là ông Quốc), và nếu như vậy, Nghị quyết 231 đáng ra phải do bà Tú ký ban hành (?!).
Nghị quyết số 238 đưa ông Cao Xuân Ninh lên thay ông Lê Minh Quốc sau này, vì thế, cũng bị cho là không hợp pháp, hợp lệ.
Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ