Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) vừa công bố thông tin về việc góp vốn để thành lập công ty mới. Cụ thể, Vingroup sẽ góp 51% vốn, tương đương 510 tỷ đồng để thành lập công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng VINES (VinES).
Công ty này có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, trụ sở chính tại Tòa nhà văn phòng Symphony, KĐT sinh thái Vinhomes Riverside, quận Long Biên, Hà Nội. Hai cổ đông sáng lập khác là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup với 48,5% cổ phần và bà Phan Thu Hương sở hữu 0,5% vốn.
Như vậy, tỷ phú Phạm Nhật Vượng chi 485 tỷ đồng góp vốn vào VinES. Đây là số ít doanh nghiệp trong hệ thống Vingroup mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng trực tiếp đứng tên cổ phần.
Ngành nghề kinh doanh chính của VinES là sản xuất pin và ắc quy, là điều dễ hiểu khi VinFast đang đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và sản xuất ô tô. Chủ tịch HĐQT VinES là bà Mai Hương Nội, hiện cũng là Phó Tổng Giám đốc Vingroup.
Bà Mai Hương Nội, sinh ngày 13/10/1969. Hiện tại, bà đang giữ chức vụ Phó Tổng Giám Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinpearl, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart. Đây đều là những công ty nằm trong hệ sinh thái Tập đoàn Vingroup. Bà là một trong những "nữ tướng" quyền lực nhất trong tập đoàn lớn nhất Việt Nam. Mới đây, bà cũng được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT Vinbiocare.
|
Bà Mai Hương Nội sinh năm 1969 tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân với bằng cử nhân Kinh tế chuyên ngành Ngân hàng. Trước khi là thành viên HĐQT Tập đoàn Vingroup từ tháng 8/2012, bà từng giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup từ tháng 3/2006 khi bà bước sang tuổi 37.
Đến ngày 14/6/2012, bà từ nhiệm Tổng Giám đốc và được bổ nhiệm chức vụ Phó tổng Giám đốc từ đó cho đến nay. Trong giai đoạn làm Tổng Giám đốc Vingroup, bà Mai Hương Nội đạt được các giải thưởng: Doanh nhân Asean, Nhà quản lý chuyên nghiệp giỏi châu Á năm 2010, Nhà doanh nghiệp giỏi Hà Nội.
Trước đó, từ 1996 đến tháng 2/2006 bà cũng lần lượt nắm giữ nhiều chức vụ tại Bưu điện Hà Nội như: Phó Phòng Thanh toán cước phí - TT Dịch vụ Khách hàng, Trưởng Phòng Thanh toán cước phí-TT Dịch vụ Khách hàng, Phó Giám đốc TT Dịch vụ Khách hàng Bưu điện Hà Nội.
Như vậy, sau khi thành lập thêm công ty này, Vingroup có 103 công ty con, bên cạnh 5 công ty liên kết, hoạt động trong các lĩnh vực đa dạng như bất động sản, giáo dục, bệnh viện, sản xuất xe có động cơ, bán lẻ ôtô, sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất thuốc, khai thác khoáng sản…
Về kết quả kinh doanh, công ty ghi nhận doanh thu thuần quý II/2021 tăng 65% lên 38.451 tỷ đồng do hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều tăng, đặc biệt là bất động sản và công nghiệp với mức tăng tương ứng 62% và 53%. Lợi nhuận sau thuế giảm 37% về gần 566 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, tập đoàn ghi nhận 61.746 tỷ đồng doanh thu, tăng 59% và 1.433 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng thêm 32 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Năm 2021, Vingroup đặt kế hoạch 170.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 54% và giảm 1% so với thực hiện năm trước. Với kết quả kinh doanh bán niên, tập đoàn hoàn thành 36% chỉ tiêu doanh thu và 32% mục tiêu lợi nhuận.
Riêng lĩnh vực công nghiệp, VinFast bán ra gần 16.000 xe trong nửa đầu năm nay. Trong đó VinFast Fadil là mẫu xe bán chạy nhất thị trường với doanh số hơn 10.000 xe. Mẫu Lux A2.0 và Lux SA2.0 cũng đều có sản lượng đứng đầu phân khúc.
Mẫu xe điện đầu tiên của Việt Nam VF e34 đạt 25.000 lượt đặt cọc tính đến cuối tháng 7. VinFast đến nay đã vận hành 35 showroom xe máy điện kết hợp trung tâm trải nghiệm Vin3S tại 24 tỉnh thành phố trên cả nước, nâng tổng số điểm cung cấp dịch vụ lên hơn 200 showroom và đại lý.
VinFast cũng đưa vào hoạt động các chi nhánh tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức, và Hà Lan, thu hút đội ngũ chuyên gia ôtô giàu kinh nghiệm đến từ các hãng xe như Volkswagen, Tesla, BMW, Porsche, Toyota, Nissan... nhằm chuẩn bị ra mắt thị trường toàn cầu 2 mẫu ôtô điện thông minh VF e35 và VF e36 vào năm 2022 với công nghệ hỗ trợ lái tự động (ADAS) và hệ thống thông tin giải trí thông minh (Smart Info-tainment).