BÀI 20: TH TRUEMILK VỚI NHỮNG DỰ ÁN NGHÌN TỶ LÀM “SỐNG LẠI VÙNG ĐẤT CHẾT”

DOANH NHÂN VIỆT NAM 06:42 30/08/2021

Hơn chục năm bước chân vào thị trường đồ uống, từ con số 0, TH Truemilk đã vươn lên dẫn đầu trong phân khúc sữa tươi, vẽ lại “bản đồ sữa Việt” với hàng loạt các trang trại nuôi bò sữa...

Công ty TH True Milk có tên đầy đủ là Công ty Cổ phần Thực phẩm Sữa TH, thuộc Tập đoàn TH. Doanh nghiệp được thành lập dưới sự tư vấn tài chính của Ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á. Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2010, công ty luôn hướng đến mục tiêu cho ra đời những sản phẩm “sữa tươi sạch” đúng nghĩa nhất.

Dù mới ra đời hơn 10 năm, nhưng TH True Milk gặt hái được rất nhiều thành tựu đáng tự hào. Năm 2013, công ty khánh thành nhà máy sản xuất sữa tươi sạch với công suất đạt 500.000 tấn/năm. Đàn bò sữa được nuôi theo tiêu chuẩn công nghệ cao, với hơn 45.000 con bò được chọn lọc kỹ lưỡng từ New Zealand, Australia, Canada,…

TH True Milk vinh dự nhận danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao trong 3 năm liên tiếp. Không những vậy, công ty còn trở thành “Nhà cung cấp đáng tin cậy tại Việt Nam và thương hiệu uy tín” năm 2011. Sản phẩm mang thương hiệu TH True Milk lọt vào danh sách “top 100 sản phẩm tin và dùng”.

Tháng 12/2010, sản phẩm sữa TH True Milk chính thức được giới thiệu ra thị trường. Đến năm 2013, công ty này đã đạt được doanh thu lũy kế xấp xỉ 6.000 tỷ đồng. Riêng doanh thu của năm 2013 đạt 3.000 tỷ đồng.

Dù xuất hiện trên thị trường thời gian chưa lâu, nhưng TH True Milk ngày càng chứng tỏ được sự vượt trội của mình trên phân khúc sữa Việt Nam.

Công ty đã giới thiệu ra thị trường hơn 70 sản phẩm trên nền tảng sữa tươi. Công ty luôn hướng đến đường đi là các sản phẩm sữa tươi sạch, thực phẩm sạch, đồ uống sạch.

Theo số liệu đo lường bán lẻ toàn thị trường trong tháng 11/2018, sữa TH True Milk tăng trưởng gần 22% về sản lượng và 30% về doanh thu. Tới nay thị phần của TH True Milk trong phân khúc sữa tươi tại các kênh bán lẻ thành thị đạt 40%.

Kể từ năm 2017, Công ty TH True Milk đã có những bước nhảy vọt trong kinh doanh. Lãi ròng năm 2017 là 319 tỷ đồng, năm 2018 là 450 tỷ đồng. Trong vòng 5 năm từ năm 2014 – 2018, lãi ròng của TH đã tăng 15 lần.

Năm 2018, Công ty TH đã cán mốc doanh thu hơn 7.000 tỷ đồng, vượt nhanh hơn lộ trình mà ban lãnh đạo đã đặt ra. Thành tích này có được nhờ sự tăng trưởng vượt bậc của sản phẩm sữa tươi. Chỉ sau 10 năm, số lượng sữa trong nước tăng đáng kể, giúp giảm con số sữa bột nhập khẩu về pha lại từ 92% của năm 2008 xuống còn hơn 60% ở thời điểm hiện tại.

Ngày 31/1/2018, Công ty TH True Milk đã khánh thành trang trại bò sữa cao sản đầu tiên tại Moscow, Nga. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ Tổ hợp chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao và một số dự án về thực phẩm với tổng số vốn đầu tư lên đến 2,7 tỷ USD của công ty tại Liên Bang Nga.

Không chỉ phát triển ở nước ngoài, những năm qua, Tập đoàn TH true MILK liên tục khởi công những dự án có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, đây đều là những vùng đất "phên dậu" của Việt Nam, vùng hẻo lánh và hiểm trở như Nghệ An, Sơn La, Kon Tum, Hà Giang…

Dự án Nghệ An chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung của TH true MILK được triển khai với tổng vốn đầu tư lên đến 1,2 tỷ USD trên tổng diện tích 37.000 ha. Hiện tại trang trại TH có 45.000 con, trong đó có hơn 22.000 con đang cho sữa với năng suất sữa bình quân đạt 30 - 40 lít/con/ngày, với 22.000 cô bò đang cho sữa mỗi ngày trang trại TH true MILK thu từ 400 – 450 tấn sữa tươi.

Tại Kon Tum, dự án chăn nuôi bò sữa tại có tổng mức đầu tư 2.544 tỷ đồng, xây trên diện tích 441ha. Dự án triển khai 2 mô hình: Chăn nuôi đàn bò nuôi tập trung với số lượng 10.000 con, và liên kết với nông dân, dự kiến 20.000 con. Bên cạnh đó, TH sẽ xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 150 tấn/ngày. Đây sẽ là trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tươi sạch có quy mô lớn nhất vùng Tây Nguyên.

Tại Sơn La, nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ đi vào sản xuất giai đoạn 1 (2020-2025) có mức đầu tư 1.200 tỷ đồng với công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược, giải quyết được 15.000 hecta vùng nguyên liệu. Giai đoạn 2 (sau năm 2025), toàn Dự án tăng mức đầu tư lên 3.500 tỷ đồng, giải quyết hơn 35.000 ha nguyên liệu.

Tuy nhiên, đó không phải là những dự án duy nhất của TH tại các vùng hẻo lánh và hiểm trở mà chẳng mấy nhà đầu tư nông nghiệp mặn mà.

Tại Hà Giang, tập đoàn này đã xây dựng dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao với quy mô đầu tư 2.500 tỷ đồng cùng dự án trồng và chế biến dược liệu công nghệ cao tại huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì và Bắc Mê. Dự án dược liệu có tổng diện tích đất 5.536 ha (gồm toàn bộ khu vực trồng cây nguyên liệu và nhà máy) và vốn đầu tư là 2.000 tỷ đồng.

Chia sẻ với quyết định làm dự án bò sữa tại Nghệ An – một vùng đất nắng nóng, hoàn toàn không phù hợp với bò sữa, bà Thái Hương cho biết: Làm nông nghiệp thì rất cần đất đai. TH có thể nuôi bò sữa công nghệ cao ở Nghệ An nhờ chính quyền chuyển đổi đất nông lâm trường, vận động quy hoạch lại đất đai cho TH.

Nhưng sau vấn đề đất, TH vẫn phải đối mặt với các khoản chi phí rất lớn để có thể nuôi bò sữa trên vùng đất nóng bằng công nghệ cao. Đó hoàn toàn không phải là con đường dễ dàng mà chỉ cần có đất là làm được.

Với Kon Tum, đây là vùng rộng lớn, mật độ dân số thấp, khí hậu cao nguyên mát mẻ rất phù hợp với việc chăn nuôi bò sữa. Chi phí cho dự án này sẽ thấp hơn dự án ở Nghệ An, đó là một điểm thuận lợi của TH bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền đối với vấn đề tập trung đất nông nghiệp quy mô lớn.

Đầu tư dự án tại Kon Tum, Sơn La hay Hà Giang, Thanh Hóa… TH đều nhắm đến mục tiêu góp phần cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là các vùng nghèo khó.

Các nhà máy trước hết sẽ tạo công ăn việc làm cho người lao động. Ví dụ, ở giai đoạn 1 của Nhà máy tại Sơn La, ngoài 200 lao động làm việc trực tiếp tại nhà máy thì còn có hàng chục ngàn lao động gián tiếp trên địa bàn tỉnh Sơn La và các tỉnh lân cận.

"Chúng tôi luôn muốn hướng đến việc làm thế nào để đưa bà con nông dân gần xa và các tỉnh nghèo khó phát triển, xóa đói giảm nghèo. Và xóa đói giảm nghèo bền vững nhất là đưa họ vào một phương thức canh tác sản xuất." – Bà Thái Hương nói.

Chính vì thế, nông dân được đưa vào chuỗi sản xuất khép kín, bắt đầu từ khâu nguyên liệu. Từ định hướng liên kết nhà nông thông qua các Hợp tác xã, xây dựng chuỗi sản xuất, Tập đoàn TH sẽ hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, sơ chế.

"Theo mô hình, mỗi hộ nông dân nuôi 5-10-20 con bò. Sau 5 năm họ thu được toàn bộ giá trị đầu tư ban đầu và họ thực sự làm giàu được trên con bò sữa" – Bà Thái Hương phân tích.

Trong mô hình này, Hợp tác xã sẽ như một mắt xích trong chuỗi giá trị sản phẩm, đưa ra kế hoạch sản xuất, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như yêu cầu về chất lượng sản phẩm.

Từ đó, sản phẩm tạo ra từ các nhà máy này là những sản phẩm chất lượng cao và phù hợp với xu hướng tiêu thụ sản phẩm thiên nhiên, tốt cho sức khỏe của thế giới. Nếu như Kon Tum, Hà Giang làm ra sữa tươi sạch như trang trại Nghệ An thì nhà máy tại Sơn La sản xuất hoa quả, nước ép nguyên chất bằng công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay.

Mục tiêu của TH cũng là cùng nông dân đẩy mạnh kết hợp trồng cây ăn quả và dược liệu để phát triển du lịch vùng miền tại địa phương, làm kinh tế dưới tán rừng với vùng nguyên liệu dược liệu hàng nghìn ha song song với việc phát huy nguồn gen quý của các cây bản địa để sản xuất các sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên.

Không chỉ phát triển kinh tế, có thể nói sự xuất hiện của TH ở vùng biên giới, khó khăn sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp về đầu tư để nâng tầm kinh tế vùng biên giới, bảo vệ biên giới.

Ngược lại thời điểm trước năm 2008, sữa Việt còn chưa có tên trên bản đồ thế giới. Từ xuất phát điểm đó, TH đã tạo ra cuộc cách mạng đầu tiên - đó là cuộc cách mạng sữa tươi sạch, mở ra con đường mới cho ngành sữa Việt Nam. Tiên phong ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, bà Thái Hương và Tập đoàn TH đã khởi dựng Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trị giá 1,2 tỷ USD. Chỉ sau 5 năm - năm 2015, Tập đoàn TH đã ghi dấu ấn với trang trại chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao lớn nhất châu Á.

Tiến sĩ Biswaroop Roy Chowdhury, Tổng giám đốc Tổ chức kỷ lục châu Á trực tiếp trao bằng chứng nhận kỷ lục cho Tập đoàn TH nhấn mạnh: “Để đạt được kỷ lục này, doanh nghiệp đã phải cạnh tranh với rất nhiều các trang trại chăn nuôi bò sữa lớn khác ở châu Á, đặc biệt là các trang trại ở Trung Quốc, Mông Cổ, Ấn Độ và các nước Trung Đông”.

Điểm khác biệt ở trang trại TH chính là đã áp dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu của quy trình khép kín “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch”. Đó là những công nghệ chăn nuôi, quản lý đàn bò, chuồng trại hiện đại hàng đầu thế giới, trong đó có hệ thống quản lý bò sữa tiên tiến nhất thế giới Afifarm của Israel; quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand; quy trình, thiết bị xử lý nước, chất thải của Nhật, Israel, Hà Lan,…

TH bắt đầu chuỗi sản xuất từ việc trồng cỏ nuôi bò. Những cánh đồng ngô, cỏ, hướng dương, cao lương bát ngát trên cao nguyên Phủ Quỳ là thức ăn của hơn 45.000 bò sữa ở cụm trang trại bò sữa TH ở Nghĩa Đàn. Tiếp đến là quy trình chăn nuôi bò sữa tập trung.

Nhiều người nói rằng bò sữa ở đây được chăm sóc chẳng khác gì những “bà hoàng.” Điều ấy cũng chẳng sai. Hàng ngày, bò được lên khẩu phần ăn cho mỗi chu kỳ và thường mỗi bữa ăn có đến cả chục món khác nhau. Thức ăn trước khi được đưa vào chế biến đều được kiểm tra kỹ càng. Chỉ những sản phẩm không chứa độc tố, không biến đổi gien mới được các chuyên gia nước ngoài đưa vào chế biến.

Không chỉ được ăn ngon, được chăm sóc sức khỏe bằng những công nghệ tân tiến và sống trong những trang trại sạch đẹp, các “nàng” bò còn được nghe nhạc giao hưởng mỗi ngày. Trước khi lấy sữa, bò được lùa qua nhiều cửa và ở mỗi cửa ấy đều có hệ thống xả nước tự động để bò tắm táp. Tắm sạch sẽ xong, cũng bằng hệ thống điều khiển tự động, các “nàng” bò dịu dàng nối nhau vào nơi vắt sữa. Bò được vắt sữa hoàn toàn tự động bằng 4 núm vú chân không. Sau khi vắt, sữa sẽ được chuyển đến bình thu gom sữa trung gian bằng hệ thống đường ống Inox và chuyển xuống các phễu lọc, đột ngột làm lạnh xuống dưới 4oC và được chuyển ngay đến bồn bảo quản sữa.

Đàn bò của TH True Milk được gắn chíp quản lý đàn, con chip này có thể cảnh báo được bệnh của bò - đặc biệt là bệnh viêm vú - trước 4 ngày. Khi có biểu hiện của bệnh trước 4 ngày, máy vắt sữa sẽ tự động “từ chối” vắt sữa đối với “cô bò” đó. Vì vậy, TH tự hào về dòng sữa tươi sạch được đo lường một cách chính xác và khoa học.

Dòng sữa tinh túy ấy được vận chuyển tới chế biến tại Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH và phân phối qua các kênh truyền thống, hiện đại cùng chuỗi cửa hàng TH true Mart của tập đoàn trên cả nước.

Cùng với tiến trình phát triển trang trại, TH true MILK đã có một bước tiến cao hơn trong tiến trình hướng tới sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường với sản phẩm sữa tươi organic tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ. TH cũng đã trở thành trang trại đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chuyển đổi và sản xuất sữa organic theo các tiêu chuẩn quốc tế này.

Việc TH vượt qua các khó khăn, khắc nghiệt về điều kiện thiên nhiên, thành công bằng công nghệ cao, chăn nuôi bò sữa (một loại gia súc ôn đới) và thành công ngay trên mảnh đất nắng nóng Nghĩa Đàn đã cho thấy hiệu quả của ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên phạm vi quy mô lớn. Ứng dụng công nghệ cao không chỉ tăng năng suất trên một đơn vị diện tích canh tác mà còn tạo ra một nền sản xuất hàng hóa, tạo nhiều công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần tạo bước đột phá cho cuộc cách mạng nông nghiệp nông thôn.

Đây cũng là định hướng hỗ trợ cho kế hoạch phát triển vùng chăn nuôi bò sữa và các mục tiêu tăng trưởng sản lượng sữa tươi (1 tỷ lít vào năm 2020 và 1,4 tỷ lít vào năm 2025) của Chính phủ; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước, hạn chế nhập sữa bột từ nước ngoài. Hướng đi này mang ý nghĩa “cách mạng” với ngành sữa trong bối cảnh một nước nông nghiệp mà mỗi năm chúng ta đã phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu sữa bột về pha lại – một nguyên nhân dẫn tới nhập siêu.

Nhắc đến thành công của TH True MILK hiện tại, không kể đến những đóng góp to lớn của doanh nhân Thái Hương nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược - Tập đoàn TH. Bà Thái Hương sinh ngày 12/10/1958, tốt nghiệp với trình độ cử nhân ngành Kế toán Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Năm 2008 là thời điểm bà Thái Hương bắt đầu gây dựng TH True Milk. Cái tên “TH” xuất phát từ hai chữ “True Happy” – Hạnh phúc đích thực nhưng cũng có thể hiểu “TH” là viết tắt của nhà sáng lập Thái Hương.

Năm 2009, dự án sữa tươi sạch TH True Milk được khởi động với việc nhập khẩu công nghệ chăn nuôi bò sữa của Israel và hàng ngàn con bò sữa từ New Zealand.

TH True Milk đã nhanh chóng phát triển, trở thành nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực sữa tươi. Đàn bò 45 nghìn con được nhập khẩu và chăm sóc theo chế độ đặc biệt, theo đúng quy chuẩn của dây chuyền sản xuất sữa tươi theo mô hình hiện đại.

Sau 2 năm gây dựng, đến tháng 12/2010, sản phẩm sữa sạch TH True Milk chính thức ra mắt thị trường và cho tới năm 2013, Tập đoàn tư nhân này cho biết đã đạt doanh thu lũy kế xấp xỉ 6000 tỷ đồng, riêng doanh thu năm 2013 đạt 3000 tỷ đồng. Với những thành công bước đầu, thủ lĩnh TH cũng tỏ rõ tham vọng thống lĩnh thị trường sữa Việt, vượt mặt cả “kẻ thống trị” thị trường sữa Việt hiện tại là Vinamilk.

Thành công của Dự án sữa sạch TH True Milk đã tạo nền tảng cơ sở để bà Thái Hương đầu tư vào dự án bò sữa tại Nga, trồng dược liệu chế biến thức uống cao cấp TH Herbals bán tại Mỹ, tạo ra thương hiệu rau củ quả sạch FVF, mở trường Quốc tế TH School.

Ngày 31/1/2018, Trang trại bò sữa cao sản đầu tiên trong khuôn khổ Dự án Tổ hợp chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa công nghệ cao và một số dự án về thực phẩm với tổng số vốn đầu tư 2,7 tỷ USD của Tập đoàn TH đã được khánh thành tại Volokolamsk, Matxcova, Nga.

Không dừng lại ở lĩnh vực sữa tươi sạch, bà Thái Hương còn ấp ủ những dự án khác liên quan đến nông nghiệp công nghệ cao như rau quả sạch và thực phẩm chức năng có quy mô lên đến 3 tỷ USD. Các sản phẩm này được chế biến tại Việt Nam nhưng đóng gói và làm thương hiệu tại Mỹ cho thấy rõ tham vọng chinh phục thị trường Mỹ của nữ tướng Thái Hương.

Với sự quyết liệt và sáng tạo trong lao động sản xuất, có những đóng góp quan trọng, mang tính cách mạng đối với nền nông nghiệp Việt Nam và cộng đồng, bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của Tập đoàn TH đã trở thành một trong 13 Anh hùng Lao động của phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 5 năm từ 2016-2020.

Bà cũng đã đạt giải “Nữ doanh nhân quyền lực” trong khuôn khổ diễn đàn Tri thức thế giới - World Knowledge Forum (WKF) 2019. Đây là giải thưởng phi thương mại uy tín bậc nhất châu Á thuộc hệ thống giải thưởng Doanh nhân ASEAN.

Bà Thái Hương cũng đã được Ban tổ chức Stevie Awards, được cho là “giải Oscar” trong giới kinh doanh quốc tế trao danh hiệu: Nhà sáng tạo có tư duy đổi mới vì hạnh phúc đích thực.

Ngoài ra, bà Thái Hương liên tục nhận được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín như: Top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á trong hai năm liên tiếp 2015 - 2016; Top những phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019 của Tạp chí Forbes; Doanh nhân xuất sắc của năm của Stevie Awards 2018; Lãnh đạo có trách nhiệm châu Á AREA của Enterprise Asia 2018, Doanh nhân châu Á - Thái Bình Dương APEA của Enterprise 2018 và Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng nhất của năm - được trao bởi tạp chí Tài chính Quốc tế IFM 2018.

Đánh giá về việc tiên phong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của bà Thái Hương , PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc bà Thái Hương chọn lĩnh vực nông nghiệp để làm với công nghệ cao nhất và vươn ra thị trường thế giới với cả tổ hợp những chuỗi đột phá cho thấy bản lĩnh, trí tuệ của bà Thái Hương cũng như hiệu quả trong việc góp phần làm nên tên tuổi Việt Nam, một doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.

“Việt Nam cần phải có những doanh nghiệp lớn làm trụ cột cho phát triển và bà Thái Hương cùng với Tập đoàn TH là một trong những trụ cột quan trọng cho phát triển nông nghiệp – lĩnh vực rất khó cạnh tranh với thế giới, thì nay chúng ta đã làm được. Tôi nghĩ, thật tuyệt vời nếu như nền nông nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế Việt Nam có thêm được những con người như vậy thì chúng ta không có lí do gì phải lo lắng về sự tụt hậu,” ông Thiên nhấn mạnh.

Con đường phát triển của TH và bà Thái Hương đã thực tiễn hoá một chân lý, một nguyên tắc lý luận: Đi sau hoàn toàn có thể vượt trước được. Việt Nam đi sau với một nền nông nghiệp manh mún, lạc hậu nhưng để vượt được thế giới theo kiểu cải tiến, sửa đổi, bổ sung thì không bao giờ kịp. Nhưng bà Thái Hương đã mở lối đi riêng, đón đầu về công nghệ, đứng trên vai những người khổng lồ. Tư duy đó đã tạo ra cảm hứng phát triển, tự tin cho người Việt: “đi sau nhưng không thua kém ai hết nếu như biết chọn cách đi đúng.”
Bạn đang đọc bài viết BÀI 20: TH TRUEMILK VỚI NHỮNG DỰ ÁN NGHÌN TỶ LÀM “SỐNG LẠI VÙNG ĐẤT CHẾT” tại chuyên mục Người nổi tiếng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Người nổi tiếng
Tin tức mới nhất