Đó là một trong những nội dung được ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp sáng 26/9.
Theo ông Công, chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85.000 doanh nghiệp, tức trên 10% số doanh nghiệp cả nước rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng trên 10.000 doanh nghiệp, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020.
Với ảnh hưởng của dịch bệnh, của giãn cách xã hội kéo dài, trong 4 tháng trở lại đây tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt… nhiều đơn hàng bị mất, nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động dưới 60% công suất.
Tất cả thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thuỷ sản, giao thông vận tải.
Chủ tịch VCCI cho hay, về lao động, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung.
Ông Công cho biết, sức chịu đựng của doanh nghiệp trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, của giãn cách xã hội, cho thấy một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng. Trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).
Ông cũng đánh giá đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái zero Covid (đưa số ca nhiễm về 0). Do đó, Việt Nam cần có tư duy duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch.
“Doanh nghiệp đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng là phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”, Chủ tịch VCCI nói.
|
-- |
Quan điểm mới này dẫn đến cần thay đổi chiến lược ứng phó Covid-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ 2 là duy trì, phát triển kinh tế.
Ông cũng nhấn mạnh vai trò của vắc-xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết để chống dịch.
“Nói ngắn gọn, vắc-xin là chìa khoá, việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vắc-xin. Thứ hai, sản xuất phải an toàn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ hai nguyên tắc này, thì hậu quả là khó lường”, Chủ tịch VCCI nhận định.
Tại Hội nghi, Chủ tịch VCCI cũng đề nghị xem xét đổi tên “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19” thành “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tế”.
Việc này sẽ thúc đẩy coi duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Vì vậy, ông Công cũng đề nghị trong cơ cấu Ban chỉ đạo cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp.