Sau dịch bệnh và cách ly xã hội, hàng loạt ngân hàng có nợ xấu tăng vọt quý I/2020

DTVN 15:32 04/05/2020

Những số liệu này phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của dịch COVID-19 làm lợi nhuận ngân hàng sụt giảm, nợ xấu tăng vọt.

Mới đây, nhiều ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2020. Trong khi năm ngoái tăng đồng đều, bức tranh lợi nhuận quý I năm nay lại rất nhiều màu sắc, có ngân hàng tăng trưởng âm, có ngân hàng tăng nhẹ, cũng có ngân hàng tăng theo cấp số nhân. Song về nợ xấu, phần lớn những ngân hàng này có nợ xấu tăng.

Nợ quá hạn tại Vietcombank tăng 34,5% so với cuối năm 2019

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa được Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) công bố, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này sụt giảm 11,14% so với cùng kỳ, chỉ đạt 5.222 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ quá hạn tính đến 31/3/2020 tại Vietcombank đã vượt 11.250 tỷ đồng, tăng 2.886 tỷ đồng, tương đương với 34,5% so với cuối năm 2019.

Trong bảng cơ cấu nợ, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) có tốc độ tăng mạnh nhất 2.498 tỷ đồng, lên gần 5.059 tỷ đồng, tức gần 97,6%. Nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm nhẹ từ gần 4.530 tỷ đồng xuống còn hơn 4.450 tỷ đồng.

Vietcombank cũng đã mạnh tay tăng dự phòng rủi ro cho vay khách hàng đến gần 40% so với thời điểm ngày 31/12/2019, từ hơn 10.416 tỷ đồng lên 14.548 tỷ đồng.

Ngoài ra, lợi nhuận ở nhiều mảng kinh doanh tăng trưởng chậm, thậm chí là sụt giảm cũng đã khiến kết quả kinh doanh của Vietcombank kém phần sáng sủa. Tổng thu nhập hoạt động quý I của ngân hàng này chỉ tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ, đạt hơn 12.200 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng 12% lên 4.910 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh 43%, lên 2.152 tỷ đồng. Đây là những nguyên nhân chính kéo lùi lợi nhuận của ngân hàng trong quý đầu năm.

Là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện giảm lãi suất cùng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19, dự báo kết quả kinh doanh của Vietcombank có thể còn gặp khó khăn trong các quý tiếp theo. Lợi nhuận ngân hàng chia sẻ cho khách hàng năm nay dự kiến trên 2.240 tỷ đồng.

Sacombank tăng hơn 313 tỷ đồng nợ xấu so với đầu năm

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lợi nhuận trước thuế quý I sụt giảm 7% so với cùng kỳ, đạt 988 tỷ đồng, rời mốc lợi nhuận nghìn tỷ. Sau khi trừ thuế, lợi nhuận Sacombank trong quý này còn lại 785 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, lợi nhuận ngân hàng sụt giảm chủ yếu do lãi từ hoạt động khác giảm mạnh trong khi chi phí hoạt động lại tăng.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2020, thu nhập lãi thuần đạt gần 2.840 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2019, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 12,3%, đạt 721 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 106%, đạt 233 tỷ đồng.

Sụt giảm mạnh đến 76,6% so với cùng kỳ, lãi từ hoạt động khác của ngân hàng này chỉ đạt 71 tỷ đồng. Trong quý I/2019, nguồn thu từ hoạt động khác chủ yếu đến từ việc xử lý nợ xấu.

Như vậy, trong khi tổng thu nhập hoạt động quý I chỉ đạt 3.882 tỷ đồng, tăng 9,72%, thì chi phí hoạt động của Sacombank đã chiếm tới 2.477 tỷ đồng, tăng tới 20,84% so với cùng kỳ.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý I của Sacombank giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ, xuống 417 tỷ đồng. Nợ xấu tính đến 31/3/2020 ở mức 6.045 tỷ đồng, tăng hơn 313 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cũng tăng từ 1,94% lên 1,97%.

Trong bảng phân tích chất lượng nợ cho vay, nợ nhóm 2 của Sacombank tăng gần gấp đôi so với đầu năm, từ mức 826 lên 1.501 tỷ đồng.

Kienlongbank bất ngờ với tỷ lệ nợ xấu vọt lên nhóm cao nhất

Không nằm ngoài xu hướng chung, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) quý I/2020 giảm 13,8 tỷ đồng, tương đương 23,25% so với cùng kỳ, xuống còn 45,5 tỷ đồng.

Dù vậy, nguyên nhân sụt giảm chủ yếu của Kienlongbank không nằm ở những ảnh hưởng do dịch COVID-19 gây ra mà lại ở sự tăng vọt chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Chi phí này trong quý I/2020 đã lên đến 68,8 tỷ đồng, tăng mạnh 3.646% so với cùng kỳ 2019. Đây là chi phí dành cho các khoản vay của một nhóm khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của một ngân hàng khác theo phương án xử lý nợ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt.

Nợ xấu của ngân hàng bất ngờ tăng vọt từ 342 tỷ đồng lên 2.240 tỷ, tức tăng tới 6,6 lần. Theo đó, Kienlongbank từ một ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất hệ thống vọt lên nhóm cao nhất. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cuối tháng 3 lên tới 6,62% trong khi hồi đầu năm chỉ ở mức 1,02%.

Sự thay đổi đột ngột này là do nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng tăng tới 9 lần lên 2.127 tỷ đồng. Theo Kienlongbank, trong số 2.127 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn có 1.895 tỷ đồng dư nợ các khoản vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nợ nhóm 5 theo quyết định của NHNN. Được biết, số cổ phiếu này chính là cổ phiếu của ngân hàng Sacombank. Kienlongbank đã rao bán số cổ phiếu này kể từ đầu năm đến nay nhưng vẫn chưa thành công.

"Ảnh hưởng này chỉ mang tính chất tạm thời, sau khi xử lý xong tài sản bảo đảm, căn cứ nguồn tiền thu được, Kienlongbank sẽ ghi nhận hoàn nhập dự phòng trở lại và góp phần tăng thu nhập trong năm 2020", Tổng Giám đốc Kienlongbank Trần Tuấn Anh khẳng định.

Nhiều ngân hàng cũng chung "mối lo" nợ xấu

Một ngân hàng khác có nợ xấu tăng khá mạnh là TPBank. Nợ xấu của TPBank cuối tháng 3 là 1.884 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm; trong khi đó, dư nợ cho vay tăng 5% lên 100.509 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ mức 1,29% lên 1,87%.

Tại ngân hàng nhỏ khác là Saigonbank, nợ xấu nội bảng đã tăng tới 95% trong 3 tháng đầu năm lên 377 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của ngân hàng này tăng mạnh từ 1,96% lên 2,65%.

Bên cạnh những ngân hàng nói trên, một số ngân hàng khác cũng có tỷ lệ nợ xấu (trên dư nợ cho vay khách hàng) tăng trong quý I/2020, như BacABank tăng từ 0,69% lên 0,79%; SeABank tăng từ 2,31% lên 2,34%; VIB tăng từ 1,96% lên 2,19%,...

VPBank là ngân hàng hiếm hoi có nợ xấu giảm trong 3 tháng đầu năm, từ mức 8.798 tỷ đồng xuống còn 7.984 tỷ đồng (tức giảm 9,3%). Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ mức 3,42% xuống còn 3,03%.

Nhìn chung, nợ xấu có tăng lên ở nhiều ngân hàng trong quý I/2020, tuy nhiên hầu hết mức tăng chưa phải là mạnh. Một phần cũng là nhờ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chưa chuyển nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước vào cuối tháng 3, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với dư nợ 17.927 tỷ đồng (trong đó NHCSXH là 1.400 tỷ).

Đánh giá chung về những tác động của dịch bệnh lên hoạt động ngân hàng, Công ty Cổ phần Chứng khoán (SSI) cho rằng, do tình hình dịch COVID-19 ngày càng phức tạp kể từ tuần thứ hai của tháng 3 nên ước tính tác động của dịch bệnh đối với kết quả kinh doanh của hầu hết các ngân hàng trong quý đầu năm là không lớn. Ngoại trừ một số ngân hàng lựa chọn chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước để có thêm nguồn dự trữ trong tương lai.

Nguy cơ nợ xấu tăng cao trong năm nay là điều đã được nhiều chuyên gia cảnh báo. Và trên thực tế, ước tính gần đây nhất của NHNN thì đã có đến 2 triệu dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiếm đến 23% tổng tín dụng của toàn hệ thống.

Mộc Diệp (T.H)/ Sở hữu trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/sau-dich-benh-va-cach-ly-xa-hoi-hang-loat-ngan-hang-co-no-xau-tang-vot-quy-i-2020-d74834.html

Bạn đang đọc bài viết Sau dịch bệnh và cách ly xã hội, hàng loạt ngân hàng có nợ xấu tăng vọt quý I/2020 tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất