|
Cụ thể, trong quý IV/2019 Sabeco đạt doanh thu thuần 9.729 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Tuy vậy, việc cắt giảm giá vốn mạnh mẽ giúp cho lợi nhuận gộp của Sabeco tăng tới 17%, đạt 2.547 tỉ đồng. Biên lãi gộp tăng từ 21% lên 26%.
Doanh thu tài chính tăng do tăng lãi tiền gửi, ngoài ra việc các liên doanh, liên kết hoạt động hiệu quả hơn góp phần tăng lợi nhuận cho Sabeco. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính tăng do trích lập các khoản đầu tư và chi phí quản lí tăng do thêm phần dịch vụ mua ngoài.
Sabeco đạt mức lợi nhuận ròng 1.091 tỷ đồng trong quý, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong cả năm 2019, Sabeco đạt doanh thu thuần 37.899 tỷ đồng, tăng 5% . Tốc độ này tương đương với tốc độ tăng trưởng ngành bia tại Việt Nam.
|
Lợi nhuận sau thuế năm vừa qua đạt 5.370 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018. Đây cũng chính là mức kỉ lục của Sabeco, cho thấy hiệu quả hoạt động được cải thiện rõ rệt cũng như thành công của chiến lược thiết kế lại thương hiệu.
Tại thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam đạt mức 27.000 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý với khoản mục tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn 16.500 tỷ đồng, chiếm tới 61% tổng tài sản.
Đối với các khoản đầu tư dài hạn, Sabeco tăng ghi trích lập dự phòng với công ty liên doanh, liên kết từ 24 lên 97 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Sabeco chỉ tương đương 34% vốn chủ. Trong khi đó với khoản lợi nhuận kỉ lục, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty bia tăng lên 11.232 tỷ đồng.
Năm 2020 được dự báo sẽ như một phép thử tiếp theo đối với năng lực của đội ngũ quản trị người Thái, khi nghị định 100 có hiệu lực, cấm uống rượu bia rồi tham gia giao thông.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày hôm qua (21/1) cổ phiếu SAB giảm nhẹ còn 233.000 đồng/cp – tương ứng vốn hóa thị trường của Công ty đạt 149.418,52 tỷ đồng.
|
Theo Hoàng Quyên/TBCK