Theo khảo sát của phóng viên báo Lao Động tại các nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội, thuốc Molnupiravir đều không được bày bán công khai. Chủ các cơ sở này đều cho biết thuốc này cấp phát có kiểm soát nên không được phép bán. Tuy nhiên khi người mua có nhu cầu, những nhà thuốc này lập tức nhận làm đơn vị trung gian đặt mua và báo giá từ những nguồn cung ứng khác. Còn trên mạng xã hội chợ thuốc Molnupiravir tràn lan, giá thuốc "nhảy múa".
Trước thực trạng trên, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm khi sản xuất, mua bán thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Cục Quản lý Dược cho biết, hiện thuốc Molnupiravir mới được sử dụng trong chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai, không bán trên thị trường.
Tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm khi sản xuất, mua bán thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh minh họa
Cục Quản lý Dược yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là trường hợp bán thuốc không rõ nguồn gốc, tăng giá bất hợp lý.
Các sở y tế phải báo cáo kết quả thanh tra, xử lý về Bộ Y tế. Đặc biệt, liên quan nội dung phản ánh trên báo chí, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương phối hợp các cơ quan chức năng để tập trung thanh tra, kiểm tra thông tin thuốc Molnupiravir đang được bán tại các nhà thuốc trên địa bàn, qua đó xử lý nghiêm.
Liên quan đến thuốc Molnupiravir, mới đây Bộ Y tế cũng cho biết, hiện có 10 đơn vị nộp hồ sơ đề nghị cấp số đăng ký cho thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir nội.
Trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ký và có hiệu lực thực hiện ngay từ ngày 30/12, lần đầu tiên có nhiều chính sách đặc biệt được cho phép thực hiện để chống dịch, trong đó có việc sản xuất các thuốc mới điều trị Covid-19.
Nghị quyết giao Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định việc sử dụng dược chất đã được cấp phép nhập khẩu để sản xuất thuốc. Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định việc sử dụng dược chất đã được cấp phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật về dược cho mục đích khác để sản xuất thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành và có chỉ định sử dụng phòng, điều trị Covid-19.
Trường hợp thiếu thuốc phòng, điều trị Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc sử dụng miễn phí thuốc sản xuất trong nước thuộc lô được sản xuất để phục vụ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc có chỉ định sử dụng phòng, điều trị Covid-19 nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện: Được sản xuất theo đúng quy trình sản xuất trong hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đã được Bộ Y tế thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành; Đáp ứng tất cả các nội dung như hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt; Được sự đồng ý của cơ sở sản xuất thuốc.
Các thuốc mới có chỉ định điều trị Covid-19 nhập khẩu, được cấp phép có điều kiện tại một trong số cơ quan quản lý thuốc SRA (Tổ chức Y tế thế giới công bố) được cấp phép trong 10 ngày.
Các thuốc mới có chỉ định điều trị Covid-19 sản xuất trong nước nếu có cùng dạng bào chế, đường dùng, hàm lượng với thuốc đã được SRA cấp phép thì Việt Nam cho phép miễn nộp hồ sơ nghiên cứu lâm sàng.
Đối với giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực trong khoảng thời gian từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực đến trước ngày 31 tháng 12 năm 2022 mà không thể thực hiện kịp thời thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022 để bảo đảm phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.