Vừa qua, lực lượng chức năng đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Đức Thuận (SN 1975, thường trú tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và đồng bọn có dấu hiệu buôn bán thuốc tân dược không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như hóa đơn chứng từ. Trong đó, có một số loại thuốc có chức năng hỗ trợ điều trị Covid-19 như TERPIN CODEIN có tác dụng giảm ho sốt; DIANTAGIC có tác dụng giảm đau nhức hiện đang rất khan hiếm trên thị trường. Nhóm đối tượng này hoạt động trên địa bàn quận Phú Nhuận, Tân Bình và quận 8.
|
Cụ thể, vào ngày 20/08, lực lượng chức năng phát hiện Nguyễn Đức Thuận chở một thùng carton nghi vấn chứa thuốc tân dược giả. Qua kiểm tra, phát hiện có 150 hộp thuốc có nhãn hiệu TERPIN CODEIN. Đối tượng khai nhận số thuốc tân dược giả này do mình tự mua nguyên liệu, đem về sản xuất rồi bán ra thị trường kiếm lời.
Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng tiến hành khám xét khẩn cấp tại ba địa điểm được biết đến là nơi sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc tân dược giả tại các quận Phú Nhuận, Tân Bình, quận 8.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an tạm giữ số lượng rất lớn, nhãn mác, bao bì, nguyên liệu, hơn 630.000 viên thuốc tân dược giả các loại và công cụ, phương tiện khác. Trong đó, có 3.116 hộp thuốc giả các nhẫn hiệu Neo-Cordion, Angmentin; 2,5kg viên thuốc màu trắng không nhãn hiệu dùng để sản xuất thuốc Fugacar giả; 100 vỉ Neo-codien; 100 lọ thuốc Staragan 500 loại 200 viên/lọ; 50 lọ thuốc staragan đã bóc nhãn hiệu….
|
Đặc chú ý, ở hiện trường, lực lượng chức năng còn phát hiện nhóm đối tượng lấy cả nhà vệ sinh làm nơi sản xuất thuốc. Nhóm đối tượng khai nhận hành vi sản xuất thuốc tân dược giả này đã diễn ra được 2 tháng.
Lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng liên quan và thu giữ tất cả số thuốc, bao bì được làm giả để điều tra làm rõ, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, lực lượng chức năng TP. Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện xe tải xe tải (BKS: 29H -373.87) đang giao hàng tại địa chỉ 428/30, Quốc lộ 1A (quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh), Đội Cục quản lý thị trường (QLTT) số 1 phát hiện hơn 300.000 sản phẩm vật tư y tế như máy tạo oxy, đồng hồ đo áp suất oxy, đồ bảo hộ, khẩu trang, tất cả đều không có hóa đơn chứng từ mua bán, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nghi ngờ là hàng nhập lậu.
Tất cả số hàng trên được vận chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào thành phố Hồ Chí Minh và đều không có hóa đơn chứng từ mua bán, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành niêm phong, tạm giữ toàn bộ số sản phẩm trên để làm rõ.
Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Hồ Đức Phớc, cần chủ động kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, mặt hàng y tế phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
Các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng cần sự phối hợp chặt chẽ trong công tác chia sẻ thông tin, tuần tra, kiểm soát và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm; đẩy mạnh truyền thông, tuyên tuyền những bài học kinh nghiệm của các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, khuyến khích người dân tham gia tố giác hành vi sai phạm.
Bên cạnh đó, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tham mưu, đôn đốc các kế hoạch đang triển khai liên quan đến: Kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; buôn lậu, sản xuất, kinh doanh nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.