'Ông chủ' của 21 trên 22 sân bay tại Việt Nam đang làm ăn ra sao?

DTVN 06:03 17/10/2019

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn đang lãi đậm trong bối cảnh hàng không Việt Nam phát triển bùng nổ và doanh nghiệp nắm thế độc quyền với 21 sân bay.

Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đi vào vận hành năm 2018 mở ra kỳ vọng về việc tư nhân hóa việc khai thác và vận hành cảng hàng không, gỡ bỏ nút thắt về hạ tầng ngành. Tuy nhiên, đây mới là sân bay tư nhân đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.

21 trong tổng số 22 sân bay dân sự vẫn đang được khai thác bởi một doanh nghiệp duy nhất là ACV và "siêu sân bay" Long Thành (Đồng Nai) tới đây cũng đang được Chính phủ đề xuất chỉ định thầu cho doanh nghiệp này.

Ba năm tăng hơn gấp ba lợi nhuận sau thuế

Theo số liệu từ CAPA, ngành hàng không Việt Nam tiếp tục duy trì đà phát triển bùng nổ trong giai đoạn 2015-2018. Lượng hành khách di chuyển hàng không quốc tế tại Việt Nam đã tăng từ 18 triệu lượt lên 38 triệu lượt trong giai đoạn trên.

Nhu cầu di chuyển của hành khách nội địa cũng tăng cao khiến các hãng hàng không đang khai thác liên tục phải tăng tải và thị trường đón nhận thêm một hãng bay mới là Bamboo Airways vào đầu năm 2019.

Doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ việc thị trường hàng không Việt Nam phát triển mạnh không ai khác là ACV. Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong giai đoạn 2015-2018, doanh thu của ACV tăng ổn định từ khoảng 13.172 tỷ đồng vào năm 2015 lên con số 16.089 tỷ đồng trong năm 2018.

Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp độc quyền về cảng hàng không này cũng tăng từ 1.753 tỷ đồng vào năm 2015 lên 6.147 tỷ đồng vào năm 2018, tức tăng hơn ba lần lợi nhuận chỉ trong 3 năm.

Thậm chí trong suốt 7 năm qua, ACV chưa đầu tư thêm sân bay mới nào nhưng nhờ thị trường hàng không Việt Nam phình to, doanh nghiệp vẫn tiếp tục kiếm đậm.

Đường bay Hà Nội - TP.HCM đang là một trong số 10 đường bay nhộn nhịp nhất trên thế giới. Hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất hoạt động vượt cả công suất thiết kế và là "hai con gà đẻ trứng vàng" cho ACV và các công ty thành viên.

Biểu đồ tăng trưởng của ACV

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, trong 21 cảng hàng không mà ACV đang khai thác, chỉ 8 sân bay đem lại lợi nhuận, còn lại thu không đủ chi. ACV phải lấy nguồn thu từ 8 sân bay này hỗ trợ số còn lại. Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh từng chia sẻ với Zing.vn chỉ riêng trong năm 2018, ACV đã bù lỗ khoảng 600 tỷ đồng cho 15 cảng ở địa phương.

Tuy nhiên nguồn thu khổng lồ từ Nội Bài và Tân Sơn Nhất vẫn giúp doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thuận lợi và đang có sẵn lượng tiền mặt lớn. Doanh nghiệp đã không ít lần lần bày tỏ mong muốn được đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng hàng không trọng điểm.

Đầu năm 2019, doanh nghiệp khẳng định có đủ tiền để đầu tư xây dựng ngay nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất và đề xuất được triển khai dự án này. Theo ACV dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư hơn 11.430 tỷ đồng, đầu tư 100% bằng vốn doanh nghiệp, cho thấy lượng tiền mặt dư dả của ACV.

Doanh nghiệp này cũng đề nghị được xây thêm hàng loạt sân bay có tiềm năng khai thác cao khác, trong đó có dự án siêu sân bay Long Thành, sân bay sẽ giảm tải cho Tân Sơn Nhất trong tương lai gần.

Đang dư tiền, sẵn sàng xây ngay Long Thành

Cũng theo chia sẻ của ông Thanh với Zing.vn, ACV đang có hàng chục nghìn tỷ đồng trong ngân hàng và dự kiến tích lũy được 87.500 tỷ đồng vào năm 2025, đủ để đầu tư hàng loạt các dự án trogn khi vẫn dư tiền xây sân bay Long Thành.

"Nói thật chúng tôi đang có khối tiền mặt gửi ngân hàng khoảng 25.000 tỷ đồng. Từ nay đến 2025, chúng tôi sẽ tích lũy được 87.500 tỷ đồng, trong khi nhu cầu vốn là cần 62.700 tỷ đồng. Tiền dư ra là khoảng 25.000 tỷ đồng dành để xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1", ông Thanh chia sẻ.

Lãnh đạo ACV khẳng định doanh nghiệp đang có lượng tiền gửi ngân hàng dư dả và đủ xây ngay giai đoạn 1 của sân bay Long Thành. Ảnh: ACV.

"Đến năm 2030, chúng tôi tích lũy 130.000 tỷ đồng nữa. Lúc đó khấu hao đầu tư xong T3 (nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất - PV.), Long Thành, chúng tôi phải đầu tư tiếp sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc…", chủ tịch ACV nói thêm.

Chính vì tiềm lực của doanh nghiệp có 95,4% thuộc sở hữu nhà nước này, Chính phủ đã đề xuất giao ACV đầu tư nhiều hạng mục sân bay Long Thành để tránh phụ thuộc vào vốn vay cũng như giúp ACV có nguồn thu để cân đối với các sân bay không sinh lời.

Cụ thể theo tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư sân bay Long Thành theo phương án kiến nghị là 111.689 tỷ đồng (tương đương 4,779 tỷ USD). Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2025.

Đáng lưu ý, về hình thức đầu tư, phương án huy động vốn, Chính phủ đưa ra 4 hạng mục, công trình phụ trợ và đề xuất giao cho ACV đầu tư 3 hạng mục chính trong số 4 hạng mục.

“Tổ chức nào làm cũng được, tuy nhiên nếu ACV làm thì sẽ đảm bảo an ninh, an toàn cho các nguyên thủ, lãnh đạo sẽ tốt hơn. Chúng ta vẫn phải huy động vốn từ bên ngoài, nhưng việc huy động này sẽ được tính toán để đảm bảo quản lý, an toàn cho cảng hàng không quốc tế lớn nhất nước”, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Tuy nhiên đề xuất trên đang vấp phải phản đối từ các ủy ban thuộc Quốc hội do lo ngại ACV đang đầu tư quá nhiều dự án lớn cũng như về việc chỉ định thầu thay vì đấu thầu tại một công trình quan trọng như sân bay quốc tế Long Thành.

Theo Ngô Minh/Zing.vn

Bạn đang đọc bài viết 'Ông chủ' của 21 trên 22 sân bay tại Việt Nam đang làm ăn ra sao? tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất