Nhiều năm trở lại đây, phát triển bền vững rõ ràng đã không còn là khái niệm lạ lẫm. Chính phủ cũng có rất nhiều hành động cụ thể định hướng phát triển bền vững, cụ thể như: Năm 2017 có kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó cam kết thực hiện đủ 17 mục tiêu với cộng đồng quốc tế; từ năm 2020, Chính phủ cũng triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030;
|
Đồng thời, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Thống kê. Theo đó, một trong những mục tiêu là để bổ sung những chỉ tiêu đo lường sự phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030 cùng rất nhiều hành động khác. Có thể nói, Chính phủ rất mong muốn và thúc đẩy phát triển bền vững bằng nhiều chính sách tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên vấn đề đặt ra, nếu Chính phủ làm mà doanh nghiệp không làm có lẽ sẽ không tạo ra sự thay đổi.
Theo TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), ngay cả khi không có chính sách của Chính phủ thì doanh nghiệp cũng cần có sự thay đổi để hướng tới phát triển bền vững.
Bởi ông Hiếu cho rằng, chỉ có phát triển bền vững mới gia tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tiết kiệm chi phí. Điều đó là vì lợi ích của doanh nghiệp, cũng chính vì phát triển bền vững sẽ đem lại những tác động tích cực cho doanh nghiệp trong việc chống biến đổi khí hậu;
Tiếp nữa là vì xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân khi xã hội đang hướng tới và chỉ lựa chọn những sản phẩm xanh, sạch, hữu cơ, an toàn và... gần như hoàn hảo. Vì thế, doanh nghiệp không thể không thay đổi để đáp ứng nhu cầu thay đổi của cộng đồng.
“Tới năm 2030 châu Âu sẽ không bán mới các loại xe chạy xăng hay xe chạy Diezel. Nghị viện châu Âu cũng quyết định, từ năm 2023 sẽ đánh thuế Carbon qua biên giới với tất cả sản phẩm hữu hình và vô hình kể cả các loại phần mềm. Công nghệ bây giờ có thể cho phép xác định chính xác một chiếc áo sơ mi sẽ thải ra môi trường bao nhiêu Carbon.
Đó chính là cơ sở để họ đánh thuế sản phẩm. Vì thế nếu doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp các nước không thay đổi mô hình hoạt động, không hướng tới quy trình sản xuất sạch hơn, an toàn hơn thì rõ ràng tính cạnh tranh sẽ bị giảm xuống và chi phí sẽ tăng và khó nắm bắt cơ hội phát triển trong tương lai. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp”, ông Hiếu cho biết.
Hơn nữa, hiện nay, Chính phủ các nước, trong đó kể cả Việt Nam đang đưa ra những gói kích thích kinh tế để khuyến khích doanh nghiệp. Đó không chỉ là gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp phục hồi một cách đơn thuần trên con đường cũ mà sẽ là những gói hỗ trợ xanh và gói hỗ trợ phát triển bền vững.
Nếu doanh nghiệp không thay đổi, chính họ sẽ tự loại mình ra khỏi các đối tượng để được hưởng lợi, hoặc mất đi cơ hội để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Hoặc có thể hiểu, sự thích ứng hay thay đổi để hướng tới phát triển bền vững vừa mang tính chất nội tại của doanh nghiệp, vừa là yếu tố bên ngoài “ép buộc” mà doanh nghiệp không làm thì cũng phải làm vì sự tồn tại và phát triển lâu dài của chính mình.