Cùng với quyết định miễn nhiệm ông Rahn Wood, Mai Linh bổ nhiệm ông Phạm Minh Sương thay thế. Ông Sương là Phó Chủ tịch phụ trách Vận tải, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn trước khi nắm chức vụ điều hành Tập đoàn.
Trên thực tế, vị tân Tổng Giám đốc cũng từng nắm giữ chức vụ Quyền Tổng Giám đốc trong giai đoạn từ tháng 1/2020 đến tháng 2/2020 trước khi ông Rahn Wood được bổ nhiệm.
Ông Phạm Minh Sương sinh năm 1971. Theo báo cáo thường niên năm 2019 công bố hồi cuối tháng 7/2020, ông Sương hiện đang nắm giữ 10.310 cổ phiếu tương đương tỷ lệ sở hữu 0,0083% tại Tập đoàn Mai Linh.
Việc tuyển dụng giám đốc người Australia cho vị trí CEO thay cho chủ tịch Hồ Huy phần nào dựa theo tinh thần của Nghị định 71/2017/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Nghị định nêu rõ Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức vụ CEO của một công ty đại chúng.
Trong báo cáo thường niên 2019 công bố ngày 27/8, ông Hồ Duy, Chủ tịch HĐQT Mai Linh cho biết việc bổ nhiệm Tổng giám đốc Rahn Wood là người nước ngoài, có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, Tập đoàn Mai Linh kỳ vọng sẽ có những bước đột phá trong hoạt động kinh doanh, góp phần đưa Mai Linh vươn ra khu vực và thế giới.
Ông Rahn Wood quốc tịch Úc, sinh năm 1966, có 33 năm kinh nghiệp làm việc tại các ngân hàng lớn toàn cầu và 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Mai Linh, ông Rahn Wood đã để lại nhiều dấu ấn lớn, đặc biệt trong mảng kinh doanh và chuyển đổi số.
"Là "chiến tướng" phụ trách kinh doanh cùng 33 năm kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng lớn và 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Việt Nam, nên ông Rahn Wood đã có nhiều đóng góp lớn trong bức tranh kinh doanh chung của Mai Linh", công ty cho biết trong một thông cáo.
|
Ông Rahn Wood sẽ thôi giữ chức Tổng Giám đốc từ 1/9. |
Những năm gần đây, với sự xuất hiện của các hãng gọi xe công nghệ, Mai Linh đã thực hiện tái cấu trúc, chú trọng đầu tư công nghệ như xây dựng app gọi xe Taxi Mai Linh, hợp tác VNPAY ứng dụng giải pháp thanh toán điện tử thông minh với thiết bị SmartPOS…
Bên cạnh lĩnh vực truyền thống là taxi Mai Linh và Hòa Bình Xanh, tập đoàn còn vận hành xe bus đường dài Mai Linh Express, xe bus tiêu chuẩn Nhật Bản, xe điện, xe cho thuê… Ngoài ra Mai Linh còn mở rộng sang vận tải đường thủy và sắp đưa vào vận hành tàu cao tốc phục vụ khách du lịch tuyến Cần Thơ – Côn Đảo.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra vào cuối tháng 7, lãnh đạo doanh nghiệp cũng đã bày tỏ tham vọng sau năm 2021 sẽ có 20.000 xe taxi công nghệ, chiếm lĩnh thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam, đối đầu trực tiếp với hai ông lớn là Grab và beGroup.
Năm 2019 là năm đầu tiên sáp nhập hai công ty con là Mai Linh miền Trung và Mai Linh miền Bắc để thành Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh vẫn chưa mang lại kết quả lạc quan. Sau khi sắp xếp các công ty con, việc kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn khá ì ạch với lỗ luỹ kế hơn 1.000 tỉ đồng.
Báo cáo tài chính năm 2019 của Mai Linh Group ghi nhận, doanh thu thuần 2.217 tỉ đồng, giá vốn bán hàng ở mức 1.709 tỉ đồng, tương ứng với mức giảm lần lượt 10% và 14%. Kết thúc năm 2019, Mai Linh chứng kiến khoản lỗ thuần 148 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh, tăng 32% so với năm trước.
Nhờ khoản "lợi nhuận khác" tăng từ 129 tỉ đồng năm ngoái lên 150 tỉ đồng trong năm nay, Mai Linh chỉ còn ghi nhận khoản lỗ ròng sau thuế đã giảm xuống còn 6 tỉ đồng so với khoản lỗ 26 tỉ đồng trong năm ngoái. Với khoản lỗ ròng 5,2 tỉ đồng thuộc về cổ đông công ty mẹ, tổng lỗ luỹ kế của Mai Linh Group đã lến đến 1.039 tỉ đồng tính đến ngày 31/12/2019.
Trong khi đó, các tài khoản thanh khoản của Mai Linh Group ở mức thấp. Lượng tiền mặt của công ty chỉ còn khoảng 53 tỉ đồng vào cuối 2019. Mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020, nhưng với bức tranh chung của ngành vận tải hành khách trước ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vẫn chưa có nhiều cơ sở để kỳ vọng Mai Linh Group cải thiện tình hình kinh doanh.
Hà Linh (T/H)/SHTT