8 năm " đắp chiếu" bỏ hoang
Qua tìm hiểu được biết vào năm 2007, để thu hút đầu tư, Ban quản lý kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã cấp giấy phép cho Cty CP gang thép Hà Tĩnh với quy mô rộng 26ha tại phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh. Ngoài Cty CP gang thép Hà Tĩnh thì 2 cổ đông chính là Cty Vạn Lợi và Cty đầu tư khoáng sản Hợp Thành cũng tham gia góp vốn để đầu tư xây dựng dự án.
Chủ đầu tư cũng công bố tổng mức đầu tư với số vốn tại thời điểm này là 1.764 tỷ đồng. Dự án cũng được chia thành 2 giai đoạn đầu tư sẽ cho công suất 250.000 tấn và 500.000 tấn phôi thép thương phẩm mỗi năm, giải quyết công việc cho khoảng 2.000 lao động trên địa bàn.
Theo dự kiến ban đầu thì đến tháng 8/2010, nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi sẽ cho ra lò lô thép thương phẩm đầu tiên ra thị trường.
Ở thời điểm 2007-2010, chủ đầu tư cũng đã huy động máy móc, nhân lực vào thi công các hạng mục, nhiều máy móc tiền tỷ cũng đã được nhập về để lắp ráp, chuẩn bị vận hành. Người dân cũng nhanh chóng nhường đất, tài sản gắn liền để cho dự án nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi vào thế chỗ.
Tuy nhiên, từ năm 2010, đại công trường thi công dự án nhà máy thép nghìn tỷ rơi vào cảnh triển khai cầm chừng rồi “đắp chiếu” vì thiếu vốn. Để cứu vãn tiến độ thi công, Hà Tĩnh đã kêu gọi các ngân hàng hỗ trợ đầu tư, rót thêm hơn 700 tỷ đồng nhưng cũng chỉ như muối bỏ bể.
Theo lý giải của nhà đầu tư thì sở dĩ dự án rơi vào tình trạng thi công cầm chừng rồi “khai tử” là do thời điểm xây dựng rơi vào khủng hoảng kinh tế, vốn triển khai đội giá, vượt ra ngoài tầm kiểm soát…
Trước tình thế không thể cứu vãn được nữa, vào tháng 9/2015, Ban quản lý kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã ký quyết định chấm dứt, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Kể từ đó, số phận dự án nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi được giao cho Cty CP gang thép Hà Tĩnh và các ngân hàng định đoạt.
Thế nhưng, suốt từng đó năm, dự án với ngổn ngang cơ sở hạ tầng dang dở hoang tàn, máy móc tập kết về trở thành đống sắt vụn trơ gan giữa lòng thị xã Kỳ Anh.
Được biết, trước đó đã có 3 ngân hàng trực tiếp làm “bà đỡ” cho dự án này vay vốn, đã giải ngân hơn 700 tỷ đồng gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam hơn 70 tỷ đồng. Đến thời điểm năm 2019, theo công bố của Chi Cục thi hành án thị xã Kỳ Anh, số tiền mà Cty CP gang thép Hà Tĩnh phải trả cả gốc lẫn lãi hơn 1.500 tỷ đồng.
Tới đầu năm 2019, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện bán đấu giá toàn bộ thiết bị, máy móc và các công trình xây dựng tại dự án Nhà máy liên hợp gang thép Hà Tĩnh với giá khởi điểm 108,76 tỷ đồng. Đến ngày 26/4/2019, sau khi tiến hành tổ chức đấu giá, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Kho bãi Nhơn Tân (Kho bãi Nhơn Tân) do ông Nguyễn Minh Hoàng Phương Vũ làm giám đốc có trụ sở đóng tại xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định là đơn vị trúng đấu giá với số tiền hơn 205,74 tỷ đồng, gần gấp 2 lần giá khởi điểm. Một con số "bèo bọt" so với 1.500 tỷ mà các "ông lớn" ngân hàng mắc kẹt tại đây.
|
Dự án nghìn tỷ bán được hơn 200 tỷ đồng
Ngày 26/4, Công ty đấu giá hợp danh Hồng Lĩnh (đóng tại Hà Tĩnh) tổ chức buổi đấu giá tài sản nhà máy thép Vạn Lợi theo hợp đồng với Chi cục thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh.
23 hồ sơ gửi đến tham gia cuộc đấu giá với mức khởi điểm hơn 108 tỷ đồng. Đại diện các ngân hàng, nhà chức trách địa phương được mời chứng kiến. Hình thức đấu giá bỏ phiếu trực tiếp, bước giá của mỗi vòng là 300 triệu đồng.
Sau 11 vòng, khách hàng Nguyễn Minh Hoàng Phương Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển kho bãi Nhơn Tân (đóng tại Bình Định) là người trúng đấu giá với giá hơn 205 tỷ đồng.
Ông Vũ từ chối thông tin về hướng xử lý tài sản của nhà máy thép vừa mua được. Trong khi đó, một lãnh đạo ngân hàng thông tin, tiền thu từ đấu giá sẽ chia theo tỷ lệ phần trăm của các ngân hàng liên quan đến dự án.
Khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh
Sáng 24/4, Đại tá Đặng Hoài Sơn - Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh thông tin, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh và các tổ chức tín dụng có liên quan để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 15/5/2007, Tổng Công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco Hà Tĩnh), Công ty TNHH Vạn Lợi, Công ty CP Mangan (thuộc Mitraco Hà Tĩnh) đã thống nhất góp vốn thành lập Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh. Các cổ đông góp vốn gồm: Công ty TNHH Vạn Lợi góp 85% vốn điều lệ, Mitraco Hà Tĩnh góp 12% vốn điều lệ, Công ty CP Mangan góp 3% vốn điều lệ.
Ngày 6/6/2007, Sở KH&ĐT Hà Tĩnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Lĩnh vực hoạt động của công ty gồm: Khai thác quặng sắt, sản xuất gang, phôi thép và các sản phẩm; chế biến xỉ và fero mangan; bán buôn kim loại và quặng kim loại; bán buôn xe ô tô và xe có động cơ khác; sản xuất than cốc, sản phẩm chịu lửa; vận tải hàng hóa đường bộ, đường thủy, kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu.
Ngày 15/6/2007, Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh được Ban Quản lý KKT Vũng Áng (nay là Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh) cấp giấy chứng nhận đầu tư số 28221000002, tên dự án là Nhà máy Liên hợp Gang thép, công suất 250.000 tấn/năm. Dự án khởi công vào tháng 6/2007.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư và các tổ chức tín dụng cho vay có nhiều sai phạm như: Năng lực tài chính của chủ đầu tư, chỉ định thầu, cho vay vốn không đảm bảo điều kiện
Ngày 29/7/2015, Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh ra Quyết định số 366 về việc chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án do: Nhà đầu tư vi phạm các quy định tại Điều 48, Luật Đầu tư, cam kết thực hiện dự án tại hồ sơ cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và các quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, các giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư.
Căn cứ kết quả xác minh, phục hồi tin báo, giải quyết nguồn tin về tội phạm, ngày 24/4/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh và các tổ chức tín dụng có liên quan để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thanh Nga (TH)/ Sở hữu trí tuệ