Nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, sớm phục hồi và phát triển, việc ổn định môi trường chính sách, không tăng thuế hay ra những sắc thuế mới là giải pháp hữu hiệu phục hồi kinh tế doanh nghiệp.
Báo động hơn 13 ngàn DN rút lui khỏi thị trường/tháng
Theo Báo cáo “Đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới, đại dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã gây tác động nghiêm trọng đến toàn cầu. Không nằm ngoài vòng xoáy đó, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020 có hơn 101.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 8.500 DN rút lui khỏi thị trường.
Sang năm 2021, riêng trong quý 1, số DN thành lập mới giảm 1,4%; số DN rút lui khỏi thị trường tăng 15,5%; số DN quay lại hoạt động giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính ra, trung bình, mỗi tháng có 13.400 DN rời thị trường.
|
Doanh nghiệp ngành đồ uống bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 |
Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là chuyện bình thường. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, lần đầu tiên trong một thập kỷ gần đây, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia. Nguyên nhân chính là do tác động của đại dịch Covid-19.
Theo VCCI, có 87,2% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đa số doanh nghiệp cho hay dịch bệnh đã tác động tới việc tiếp cận khách hàng, đến dòng tiền và nhân công của họ. Nhiều doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng, mất cân đối dòng tiền, phải cho lao động nghỉ việc do kinh doanh suy giảm.
Bà Hoàng Ngọc Ánh - Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, dịch COVID-19 gây cho ngành dệt may thiếu đơn hàng khiến 30% công nhân ngành thiếu việc trong tháng 4/2019 và 70% lao động còn lại chỉ làm việc khoảng 60% công suất. Bên cạnh đó là những khó khăn về tài chính để phục vụ sản xuất, duy trì đội ngũ công nhân lao động…
Thời gian qua, Chính phủ đưa ra hàng loạt gói hỗ trợ, tuy nhiên số doanh nghiệp tiếp cận không nhiều, các doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn. Không những thế, làn sóng dịch Covid-19 quay trở lại tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. VCCI đánh giá, những ngành bị ảnh hưởng nhiều là du lịch, bán lẻ, vận chuyển hành khách, đồ uống,...
Cần ổn định chính sách, không tăng thuế, phí
Thuế là lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội, có tác động rất lớn đến sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của DN, công ăn việc làm của người lao động…
Trong bối cảnh đại dịch Covid tàn phá nền kinh tế, nhiều quốc gia đã hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn bằng biện pháp ưu đãi thuế. Như, Chính phủ Trung Quốc miễn thuế VAT cho một loạt dịch vụ, giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp... để hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ Hoa Kỳ duy trì các chính sách ưu đãi về thuế, gồm hoãn thời gian thu thuế và phí, tín dụng thuế, giảm thuế suất, tạm thời giảm giá thuê các tài sản của Nhà nước.
Ông Mạc Quốc Anh- Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội cho rằng, hỗ trợ để doanh nghiệp duy trì hoạt động là giải pháp cấp bách hiện nay. Cần tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho DN để DN yên tâm làm ăn, phục hồi sau dịch Covid-19.
Theo đó, bên cạnh các gói hỗ trợ về tài chính, giãn, giảm thuế cho DN và người dân, cần giữ ổn định môi trường chính sách, tránh tăng thuế, phí trong thời gian này. Bởi trong bối cảnh hiện nay, tình hình kinh doanh gặp khó khăn, chưa hồi phục mà tăng thuế, phí thì sẽ chất thêm gánh nặng lên DN và có thể cản trở đà hồi phục của nền kinh tế- ông Mạc Quốc Anh cho hay.
Còn theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), ở Việt Nam, cải cách thuế cần xây dựng hướng đến việc thu thuế thu nhập một cách hiệu quả hơn thay vì mở rộng cơ sở đối với các loại thuế gián thu. Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp với 3.500 USD/người/năm, do đó tăng các loại thuế, phí sẽ tác động lên tất cả đối tượng, nhưng chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là người nghèo, vốn dễ bị tổn thương hơn cả trong đại dịch.
Hiện dịch bệnh Covid vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Do đó, Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát kiến nghị miễn, giảm thuế, phí và lệ phí mà trước hết là trên các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh.
Các chuyên gia đều thống nhất rằng, chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự phục hồi của DN, đặc biệt là duy trì chính sách thuế ổn định, không tăng thuế hay ra những sắc thuế mới là biện pháp “khoan sức” cho DN, nuôi dưỡng nguồn thu, không chỉ giúp duy trì việc làm cho người lao động mà còn hướng đi bền vững để phục hồi ngân sách nhà nước trong tương lai.
Theo Chất lượng Việt Nam Online