Doanh nhân thời 4.0

DTVN 12:05 23/11/2019

Cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra trên quy mô toàn cầu và tác động trực tiếp tới nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng nhanh nếu cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ. Ngược lại nếu “lạc nhịp” về công nghệ, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường. Trong bối cảnh này, vai trò của doanh nhân một lần nữa lại được khẳng định.

Dẫn thân vào công nghệ

Tại Việt nam, những năm qua, nhiều doanh nhân đã cố gắng dấn thân khởi nghiệp trên lĩnh vực công nghệ thông tin. Tron đó, nhiều doanh nhân đã đứng vững, nhưng cũng có rất nhiều người phải đứng lại chiêm nghiệm những thất bạn để rồi tiếp tục đi tới trên con đường đã chọn.

Với mong muốn thực hiện mạng xã hội của người Việt, ngày 16/9/2019, mạng xã hội Lotus được VCCorp chính thức ra mắt bản dùng thử beta tại Hà Nội.

Với phương châm “Nội dung là vua” và khoản vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng, Lotus lựa chọn phát triển theo định hướng “lấy nội dung và trải nghiệm người dùng”. Lotus được đầu tư và phát triển bởi VCCorp với sự tham gia vốn của các doanh nghiệp và cá nhân trong nước.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, phó tổng giám đốc VCCorp, khẳng định: “Lotus là một mạng xã hội đi theo hướng khác biệt, lấy nội dung làm trọng tâm, tạo nên một nền tảng hỗ trợ cho các nhà sản xuất nội dung và các cá nhân thỏa sức sáng tạo để có được các nội dung chất lượng hơn phục vụ người sử dụng”.

Lotus được thiết kế và triển khai theo mục tiêu là “mang đến một nền tảng có thể hỗ trợ đắc lực cho các nhà sản xuất nội dung và các cá nhân, để bất cứ ai cũng có thể thỏa sức sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng, có giá trị và độc đáo”.

Theo phó tổng giám đốc VCCorp Nguyễn Văn Tuấn, giải phóng sức sáng tạo là phương thức được Lotus lựa chọn để phát triển nội dung trên mạng xã hội này. Lotus sẽ giúp các nhà sáng tạo nội dung từ báo chí, nhà sản xuất nội dung, KOLs, người nổi tiếng đến doanh nghiệp đều có thể tiếp cận với đối tượng phù hợp để thu hút, tương tác… Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng bày tỏ kỳ vọng về Lotus sẽ “thành công để gây cảm hứng cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam khác đang dấn thân Make In Vietnam, tạo ra sản phẩm công nghệ Việt Nam và từ đó đi ra toàn cầu”.

Mạng xã hội Lotus là sự gặp nhau của những người làm công nghệ khát khao một mạng xã hội đời mới, cách tiếp cận mới, công nghệ mới, đáp ứng những nhu cầu mới và những nhà đầu tư Việt Nam có khát vọng Việt Nam hùng cường, kết hợp với chương trình Make In Vietnam của Chính phủ. Chúng ta cần nhiều hơn nữa sự kết hợp ba bên này để giải quyết nhiều bài toán nữa của đất nước, nhất là những bài toán lớn, mang tính căn bản và nền tảng để giúp Việt Nam phát triển” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Theo thông tin từ VCCorp, mạng xã hội Lotus là dự án VCCorp đã nghiên cứu và phát triển trong suốt một năm qua.

Lotus được thiết kế bởi nhóm chuyên gia trải nghiệm người dùng và được phát triển bởi đội ngũ hơn 200 kỹ sư công nghệ của VCCorp trong các lĩnh vực như ứng dụng di động, AI, Big Data, Cloud Computing…

Số tiền đầu tư 1.200 tỉ đồng sẽ giúp Lotus duy trì hoạt động được khoảng 2 đến 3 năm nếu không có doanh thu.

Nhưng thực tế, nếu có 3 đến 4 triệu user sử dụng thường xuyên thì một năm cũng có doanh thu được một vài trăm tỉ. Khi đạt 3 đến 4 triệu user sử dụng thường xuyên thì chắc chắn đạt được hòa vốn. Sau khi ra mắt bản beta dùng thử từ ngày 16-9, khoảng 6 tháng hoàn thiện sản phẩm, VCCorp sẽ công bố bản chính thức của Lotus.

Bản chất doanh nhân

Như Michael Roach nhà sáng lập Năng Đoạn Kim Cương đã từng nói - “Mục đích tối hậu của mọi sự kinh doanh là khi nhìn lại ta nhận thấy mình đã điều hành bản thân, điều hành doanh nghiệp theo một cách có ý nghĩa lâu dài, để lại dấu ấn tốt trong đời”. Đó cũng là chân lý mà chương trình Năng Đoạn Kim Cương - Hạt Giống Kinh Doanh Thành Công muốn hướng tới và sẽ tiếp tục lan tỏa đến rất nhiều những người làm kinh doanh, lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp.

Doanh nhân là người làm kinh doanh. Như vậy có thể hiểu rằng doanh nhân là người đi kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua việc giải quyết những vấn đề của xã hội đang gặp phải bằng những sản phẩm hay dịch vụ của mình, đồng thời không làm phương hại đến giá trị của xã hội.

Nhưng thực tế rằng không phải doanh nhân nào cũng thành công dù hiểu được điều trên. Thời thế đã thay đổi. Chúng ta chứng kiến biết bao sự sụp đổ trong nháy mắt mà trước đó không lâu doanh nghiệp còn ở vị trí dẫn đầu. Thời đại này là thời 4.0, thời của thực giả lẫn lộn (từ nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, từ nghĩa hẹp lẫn nghĩa rộng), thời của cơ hội to lớn và thách thức cũng khó lường. Ngoài việc hiểu đúng để làm đúng như trên, còn đòi hỏi doanh nhân phải làm tốt, thậm chí làm xuất sắc. Nói cách khác, để thành công, doanh nhân phải tạo ra được những sản phẩm hay dịch vụ có giá trị thực (điều kiện cần) và được xã hội tin dùng (điều kiện đủ).

Như vậy, làm doanh nhân trong thời 4.0 thực chất là hành trình tái-tạo- chính-mình để tái-tạo - doanh - nghiệp, sao cho doanh nghiệp tôi lãnh đạo có khả năng mang lại cho xã hội những sản phẩm hay dịch vụ đủ thực và đủ mạnh để khách hàng tin và lựa chọn lâu dài. Đồng thời, cần giữ vững vòng - lặp - tái - tạo để hành trình ấy diễn ra không chỉ một lần, mà bền vững.

Dù cơn lốc 4.0 xuất hiện và thay đổi toàn bộ cách thức con người hoạt động, tương tác thì có những điều đối với một doanh nghiệp vẫn không thay đổi: đó là ý thức, cái tâm làm kinh doanh & đóng góp cho xã hội.

Người ta vẫn nói về kinh doanh với sự tài giỏi mưu chước, lợi thế cạnh tranh, nắm bắt thời cơ để không bị bỏ lại phía sau. Nhưng thời thế cho thấy sự tài giỏi đôi khi không thể giúp người quản lý, lãnh đạo cứu vãn được sự sụp đổ của một doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có thể khởi đầu chỉ là một cửa tiệm, hay chỉ là một ý tưởng nhờ sự tài giỏi nhưng có thể đi bao xa và đi bao lâu đều nhờ vào đức, vào tâm làm kinh doanh.

Hãy nhìn các vấn đề xảy ra với doanh nghiệp theo lăng kính khách quan nhất.

Ngày hôm nay đối tác, khách hàng lớn của bạn vừa tuyên bố chấm dứt hợp đồng; một số khác nợ tiền và bạn có khả năng không thể đòi lại được. Một nhân sự giỏi nghỉ việc và bạn cảm thấy như bị phản bội vì mình đã hết lòng nâng đỡ họ. Hay doanh số của công ty sụt giảm nghiêm trọng và bạn đã nỗ lực để đốc thúc đội ngũ bán hàng nhưng chiều hướng không hề khá lên. Những sự việc xảy ra chúng ta thường tìm giải pháp nhưng lại không tìm nguyên do gốc rễ. Và chính vì vậy, có rất nhiều doanh nghiệp vẫn luôn lặp lại những sai lầm, đi trên vết xe đổ của chính mình.

Sự thực là, các sự việc bắt nguồn từ chính chúng ta. Mỗi sự việc xảy ra đều được ghi lại vào “tâm” của chúng ta như một cái máy quay phim. Chính chúng ta là người quyết định sẽ quay hình ảnh ấy như thế nào. Một dấu ấn đẹp sẽ dẫn đến những kết quả đẹp và ngược lại. Khi nhìn vào bộ phim đang chiếu bạn có thể đoán được nó phát ra từ hạt giống nào. Giả sử việc bạn bị lừa trong công việc kinh doanh, rất có thể bạn đã từng nói dối ai đó. Bạn bị mất tiền, rất có thể bạn đã có hoạt động gây ra sự hao hụt cho người khác.

Đóng góp cho cộng đồng

Ngày nay, nhiều doanh nhân đã thành công còn đi chia sẻ kinh nghiệm cho lớp trẻ với mong muốn xây dựng thế hệ doanh nhân đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Để kinh doanh thuận lợi, thành công, người điều hành hãy gieo những dấu ấn tốt. Nếu bạn muốn kinh doanh thành công thì đừng cạnh tranh mà hãy mang trí tuệ, công sức, thời gian tiền bạc để giúp đỡ cho kế hoạch của đối tác, bạn bè, đồng nghiệp được thành công trước. Nếu bạn muốn nhân viên tận tụy, hết lòng vì công ty: bạn hãy đối xử thật tốt, chân thành với chính gia đình, người thân, những người xung quanh bạn mỗi ngày. Nếu bạn muốn tìm những đối tác tốt, phù hợp hãy giúp người khác tìm kiếm mối quan hệ như ý và đừng bao giờ nói lời chia rẽ khiến các mối quan hệ gặp vấn đề.

Nếu bạn không muốn bị lừa, bị mất tiền, hãy chắc chắn rằng công việc kinh doanh của bạn tuân thủ theo quy định của pháp luật, không lách thuế, không dối trá về sản phẩm… Điều này có thể lạ với những ai vẫn theo đuổi tiền bạc, vẫn thường kiệt sức với những cuộc chạy đua trên thương trường. Tuy nhiên, trong kinh tế học có giả thuyết, nếu muốn trở nên giàu có, không phải chỉ cần “có tầm nhìn, giỏi nắm bắt cơ hội…”, mà quan trọng hơn là phải có ý thức kinh doanh “có thể cầm 7 phần thì chỉ lấy 6 phần, có thể cho 3 phần thì cho 4 phần”. Triết lý ở đây không chỉ là cho đi mà còn phải sống tử tế, sống với cái tâm để kinh doanh thành công.

Tỉ phú Chuck Feeney từng chia sẻ lý do làm từ thiện và quyên tặng hết tài sản rất đơn giản là bởi vì, “vải liệm không có túi”, người chết ra đi không mang được gì. Con người “sinh ra tay trắng thì khi trở về cũng phải trắng tay”. Không chỉ có Chuck Feeney, rất nhiều tỷ phú trên thế giới và cả ở Việt Nam đã nhận ra sứ mệnh của họ, chính là tạo ra nhiều tài sản, vật chất cho xã hội, giải quyết nhu cầu của con người, cống hiến cho cộng đồng thông qua công việc kinh doanh.

Chúng ta biết rằng, để một sự vật chấm dứt chẳng cần gì khác hơn là khiến nó bắt đầu. Sự nghiệp kinh doanh cũng vậy. Hãy để cuộc đời và doanh nghiệp sẽ có một ý nghĩa nào đó bởi vì chắc chắn một ngày kia chúng sẽ chấm dứt…

Đánh thức tiềm lực

800 doanh nhân họp ở Davos đã dự báo 21 sản phẩm sau đây sẽ xuất hiện trong 10 năm tới, được sắp xếp theo số lượng ý kiến giảm dần: 10% dân số mặc quần áo kết nối với internet; 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí (có kèm quảng cáo); 1 nghìn tỷ cảm biến kết nối với internet; Dược sĩ robot đầu tiên ở Mỹ; 10% mắt kính kết nối với internet; 80% người dân hiện diện số trên internet; Chiếc ô-tô đầu tiên được sản xuất hoàn toàn bằng công nghệ in 3D.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra sôi động trên toàn thế giới được đánh giá là mang lại cơ hội lớn cho các quốc gia. Theo các chuyên gia kinh tế, CMCN 4.0 giúp các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng thị trường phát triển; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sản phẩm; có sự thay đổi lớn từ phía cung hàng hóa thông qua việc tiết giảm chi phí và tăng năng suất lao động. Cùng với đó, chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống, hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn, các chi phí thương mại được giảm bớt.... Từ đó, thị trường của DN sẽ được mở rộng...

Theo số liệu khảo sát của Bộ Công Thương, hiện nay, có 61% DN Việt Nam còn đứng ngoài cuộc CMCN 4.0 và 21% DN mới bắt đầu có các hoạt động chuẩn bị. Còn theo thống kê của Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, năm 2018, trong 10.994 DN sản xuất: có 879 doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến (8%); có 5.501 doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình, trung bình tiến tiến (50%); có 4.614 doanh nghiệp còn lại sử dụng công nghệ lạc hậu (42%).

Chính những điều này sẽ buộc các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức: Áp lực cạnh tranh; Thay đổi cách thức sản xuất, tiêu dùng; Chu kỳ sản xuất, tuổi thọ sản phẩm,…; Cơ hội kinh doanh mới, nhu cầu tiêu dùng mới. Vì vậy, Để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải tư duy hàng ngày, sáng tạo cộng thay đổi sẽ tạo ra hiệu quả hơn. Không chỉ thay đổi về công nghệ, khoa học kỹ thuật mà còn mà còn phải đổi mới tổ chức và nhân sự, yếu tố con người vô cùng quan trọng.

Doanh nghiệp sẽ tăng trưởng nhanh nếu cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ. Ngược lại, nếu “lạc nhịp” về công nghệ, doanh nghiệp sẽ phải thu hẹp quy mô, thậm chí sẽ bị đào thải khỏi thị trường. các doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức về cách thức sản xuất và môi trường kinh doanh, phải thay đổi từ cạnh tranh tĩnh sang cạnh tranh động để có thể bắt kịp xu hướng… Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải đánh thức tiềm năng của chính mình để phát triển công nghệ trong tương lai. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ đang tăng rất mạnh. Nhưng doanh nghiệp lớn có bộ phận tự nghiên cứu, triển khai công nghệ chỉ chiếm chưa đến 3% (quá thấp trong cuộc cách mạng 4.0)”. Đó là trở ngại lớn, nhưng không phải vì thế mà không vượt qua nếu doanh nghiệp muốn vươn lên đi về phía trước.

Theo Nhã Băng/Sở hữu Trí tuệ

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/doanh-nhan-thoi-40-d61037.html

Bạn đang đọc bài viết Doanh nhân thời 4.0 tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0915 15 67 76 Hoặc email: bbt.dautuvietnam@gmail.com
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp
Tin tức mới nhất